TKH - banner 02

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

(Kính mến tặng các Thầy Cô và các bạn của lớp 9G. Đặc biệt là gia đình Thầy Lê Văn Hiệp)
 
 
      Không ai trong chúng ta đều không biết đến tháng tư của năm 75. Những ngày tháng cuối cùng sau cuộc chiến tranh. Cũng bắt đầu từ đó, Đức được chuyển từ trường Thủ Khoa Huân sang Nguyễn Trường Tộ cũ và bây giờ là trường phổ thông cấp II thị xã Vĩnh Long. Trường nằm bên ven sông Tiền, bên kia là Cù Lao An Thành. Mỗi mùa mưa nắng, dòng sông Tiền cứ hiền hòa trôi chảy lững lờ tô vẽ thêm cho sự mến yêu của ngôi trường nằm ven sông của nó, nơi mà có biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của Đức.
 
Cầu Cái Cá và bờ kè bên sông Tiền 
 
Mỗi ngày đến trường Đức phải đi qua ngã ba Ông Cảnh về hướng cầu Cái Cá, nơi gần nhà thờ Chánh Tòa, đối diện với xóm Cây Khế. Dù trời chưa sáng hẳn, đường phố Vĩnh Long bắt đầu náo nhiệt, ngoài đường các bác chạy xe xích lô, cũng bắt đầu đi làm việc, họ ghé vào quán Huỳnh bên cạnh đường để vội vàng ăn sáng lót dạ. Một người phụ nữ đi ngang qua với gánh nặng trĩu trên vai, cất tiếng rao lanh lảnh:  "Ai ăn chuối chiên hông... Ai ăn chuối chiên hông.." Đức nhìn cảnh vật chung quanh cũng ngậm ngùi nghĩ đến ba mẹ mình và những người thân đang vất vả để chạy kiếm từng buổi ăn qua ngày. Đức tiếp tục đi về hướng cầu Cái Cá. Mỗi lần đi học qua đây, Đức đều thích thú nhìn tượng của chúa Giê-Su đứng trên trái cầu to, được dựng lên phía trước nhà của Kiệu, bạn học cùng lớp. Cái tượng mang một vẻ nghệ thuật khéo léo và điêu luyện, ít khi thấy ở quanh đây. Có lần có một bạn học cùng lớp hỏi:
 
- Nhà của Kiệu có để ông gì phía trước vậy? Kiệu phản ứng và trả lời ngay:
 
- Không phải ông gì, mà là Đức Chúa Giê-Su!
 
Theo thời gian qua dần, sau nầy Đức đi ngang qua đây không còn thấy bức tượng đó nữa.
Đi qua khỏi nhà của Kiệu, là thành công binh phía trước, sau nầy thành một bãi đất trống còn lưu lại những mảnh sắt vụn đây đó, về sau thỉnh thoảng được dùng để làm bãi chiếu bóng cho dân xem. Tiếp tục đi trên con đường này, bên kia đường, quẹo trái, là ngã ba để vào Xóm Bún. Đối diện với Xóm Bún bên kia con sông Cái Cá là Xóm Đập, nơi mà trước đây Thầy Đại, Hiệu Trưởng của trường Nam Tiểu Học Thi Xã dạy học thêm ở đây. Đi qua khỏi ngã ba Xóm Bún là thấy ngay cầu Cái Cá ở trước mặt. Cậu Cái Cá nối liền sông Tiền với con sông ở Cầu Kinh Cụt, ở giữa là Cầu Lộ. Cạnh bên dốc cầu Cái Cá này, có những bàn bóng bàn cho thuê, thỉnh thoảng Đức thích ghé qua đây những lúc rảnh rỗi, để cùng bạn bè hoặc anh em của mình tập dợt bóng bàn, rất là thích thú.
 
Đi xuống dốc cầu Cái Cá một đổi, quẹo phải là đi về cầu Bà Điều, hướng rạp hát Lê Thanh trước đây. Nằm bên dốc cầu tay phải của cầu Bà Điều có một ngôi nhà xưa được cất theo lối kiến trúc của Tây, rất lạ đẹp, đồ sộ, và cổ kính, phía trước có một hàng balcony thật to lớn. Mỗi lần đi qua đây Đức dừng lại ngắm nhìn một hồi rồi mới đi. Nếu tiếp tục đi thẳng, sau khi xuống dốc cầu Cái Cá, mọi người sẽ thấy ngay ở góc cuối đường nầy là trường trung học phổ thông cấp 2, khu C.
Trường tọa lạc trên một vùng đất rộng khoảng 100 thước vuông, giữa sân trường là một sân bóng rổ tráng xi măng, phía trước sân trường là một hàng cây to lớn với tàng cây che nhiều bóng mát. Phía dưới tàng cây, cách đó không xa, có một khoảng trống khác, bên cạnh những cột trụ được xây lên để chơi gym, chúng tôi thường ra đó, chia nhóm để chơi đá banh.
 
Cầu Cái Cá
 
Nhìn chung ngôi trường không to lắm, nhỏ nhắn, xinh xắn và ấm áp của tình thầy cô học trò bạn bè với nhau. Trước sân trường ngay hưởng gió thổi từ cù lao An Thành qua. Những buổi trưa hè rực nóng, gió lồng lộng thổi từ đây và đủ để làm lay nhẹ những tà áo trắng nữ sinh vừa đẹp vừa duyên dáng của trường. Riêng các chàng thiếu niên nhà ta, trong những ngày nóng bức này đây, đã có ít nhất một lần, vì nước liều thân cùng rủ nhau nhảy xuống sông tắm.. Không may bị thầy cô bắt gặp, và chịu kỷ luật khiển trách.
 
Năm đó trường có tất cả 6 lớp 9, được chia ra 3 lớp học anh văn và 3 lớp học pháp văn. Lớp của Đức là lớp 9G, bao gồm các bạn học pháp văn. Thầy chủ nhiệm là thầy Lê Văn Hiệp dạy bộ môn pháp văn. Thầy Hiệp đã từng dạy cho Đức trước đây khi Thầy dạy ở Thủ Khoa Huân và đã đề cử cho Đức làm lớp trưởng lớp 9G nầy. Mặc dù Đức đã tìm cách từ chối nhiều lần về việc này, nhưng từ chối mãi vẫn không được, cuối cùng rồi cũng phải đảm nhận một trách nhiệm khó khăn này. Biết rằng đây là một trọng trách cao, Đức chưa bao giờ làm việc gì cho ai cả, ở nhà việc trong việc ngoài đều do cha mẹ quán xuyến hết. Tuy vậy trong hoàn cảnh mới nầy, Đức cũng cố gắng hết sức để phấn đấu và bảo đảm mọi sinh hoạt trong lớp đi đúng chiều hướng mà ban giám hiệu của trường và thầy chủ nhiệm mong muốn, và Đức cũng vững niềm tin, vì thầy chủ nhiệm lúc nào cũng khuyến khích, giúp ý kiến và ủng hộ tối đa về mặt tinh thần cho lớp trưởng. Kết quả năm đó lớp 9G đạt nhiều thành tích đáng kể về các mặt như làm bích báo và văn nghệ.
 
Về phần bích báo, mới ra quân lần đầu, lớp 9G đã chiếm giải nhất của bài bích báo với tựa đề là Hồ Hỡi (có nghĩa là chủ đề của sự lạc quan yêu đời) do sự đóng góp hết sức nhiệt tình của các bạn Diệu, Kiệu, Tạ Thị Ánh Hồng, Ngọc Anh, Thanh Liễu... Đức cũng có đóng góp một phần nhỏ vào trong đó, bài viết là một câu chuyện cười có tựa đề là “Hãy Cùng Bơi”, cho đến bây giờ mỗi khi làm việc quá mệt mỏi, Đức nghĩ đến nó mà phải tức cười:
 
"Có một ông bác sĩ muốn thử nghiệm xem các bịnh nhân tâm thần có hoàn toàn bình phục chưa, nên mới dẫn họ ra một hồ bơi không có nước, và bảo với họ rằng:
- Nào, bây giờ chúng ta cùng nhảy xuống hãy cùng bơi nhé.
Mọi người đều nhảy xuống, chỉ trừ một người bịnh nhân còn dừng lại trên bờ. Ông bác sĩ mới mỉm cười với người bình nhân nầy nghĩ rằng ông này có thể đã hết bịnh. Nhưng ông bác sĩ muốn thử lại thêm một lần nữa, xem người bịnh nhân này có thật sự hết bịnh hay chưa, nên bác sĩ mới hỏi bịnh nhân là:
Tại sao anh không chịu nhảy xuống tắm, trong khi các bạn khác đều làm?
- Ngu sao nhảy. Tôi không biết bơi!"
 
Một lần khác lớp 9G đạt giải nhất về tiết mục văn nghệ là do bạn Phát đã xuất sắc mang về giải nhất cho lớp trong phần đơn ca nam với bài “TSĐTST”, lần nầy nội bộ của lớp có phần lủng củng, phải uyển chuyển hết sức mới giải quyết được vấn đề. Vấn đề là ai cũng biết là bạn Phát hát rất hay trong bài ca này, có triển vọng sẽ đoạt giải. Tuy nhiên, bạn Đạt, là một trong những người bạn thân của Đức, lại muốn lên hát cho lớp với bài Về Vĩnh Long. Bạn Đạt hát cũng được, nhưng cơ hội để lớp được thắng giải, thi không chắc ăn cho mấy. Đức mới bảo mọi người trong lớp ngồi xuống nói chuyện với nhau, và cuối cùng lớp đã chọn bạn Phát đại diện cho lớp ra tranh giải và Đức rất vui khi mình đã quyết định làm đúng việc này.
 
Thời đó, có phong trào tập thể dục giữa giờ. Đây là một trong những điều mới mẻ, chưa bao giờ được áp dụng trong học đường trước đây, nhà trường muốn bảo đảm là mọi học sinh phải làm các động tác đồng nhất vừa đẹp và vừa đúng. Mỗi lớp được cử ra một thành viên, đứng trên bục cao giữa trường, trong giờ thể dục giữa giờ, nhiệm vụ của thành viên này, là làm động tác đúng để mọi học sinh làm theo. Hôm đó, đến lớp đại diện của lớp 9G đứng trên bục làm động tác. Đức là người được cử làm động tác. Có lẽ vì phần khớp trước đám đông, vì phần không làm homework kỹ, nên Đức đã làm không đúng động tác. Nên bị cô Liên dạy bộ môn thể dục năm đó, kêu Đức rời khỏi bục, và Cô phải đích thân lên làm động tác. Đức cảm thấy hết sức là mắc cỡ và xấu hổ trước tình cảnh như thế. Kỷ niệm đó Đức không bao giờ quên được.
 
Xóm Đập - nhìn từ bờ kè Xóm Bún
 
Có một hôm trong giờ sinh vật do thầy Gia dạy. Lý Kim Ngôn là một trong những học sinh giỏi của lớp nên được thầy kêu lên trả bài. Hôm đó thầy đang hỏi bài về hệ thống tuần hoàn, bao gồm sự lưu thông của máu từ động mạch sang tế bào, và trở lại tim bằng đường tĩnh mạch. Bạn Ngôn đã trả bài tốt với 7 điểm, phải nói được điểm 7 của thầy Gia không phải là dễ. Nhưng sau khi thầy xem lại bài viết của bạn Ngôn, thì thầy phát cáu lên, chân mày dựng đứng, và nói với bạn Ngôn rằng:
 
- Bài vở của em tại sao lại vẽ bậy lên thế, thầy trừ 2 điểm. Bây giờ chỉ còn 5 điểm thôi. Tuần rồi em vắng mặt ở lớp thầy, sao không thấy chép bài đầy đủ, trừ em thêm 2 điểm nữa. Bây giờ chỉ còn 3 điểm thôi. Lần sau nhớ mà chỉnh đốn, học hành bài vở cho đàng hoàng.
 
Bạn Ngôn không còn biết gì hơn, chỉ đứng trơ ra như tượng gỗ. Số là khi học về hệ thống tuần hoàn, thầy có vẽ nguyên một sơ đồ, với hình trái tim bao gồm các tâm thất và tâm nhĩ, các valves, và các động mạch tĩnh mạch, đi từ tim ra tế bào, trở lại phổi, và trở vào tim, với phấn đỏ, phấn xanh rõ ràng để phân biệt được rõ đâu là động mạch, đâu là tĩnh mạch. Nhưng mà trong bài của bạn Ngôn viết, thay vì trái tim nguyên vẹn. Bạn không ngờ bị một bạn khác trong lớp tên Bình vẽ thêm một cây Đồ Long Đao của Tạ Tốn (trong truyện Cô Gái Đồ Long của Kim Dung)  đâm qua trái tim làm tim bị rỉ máu. Thành ra cuối cùng được ban tặng với điểm 3!
 
Ồ, phải nói thêm thầy Gia là một trong những thấy có kỹ năng giảng dạy độc đáo, và có một trình độ kiến thức rất là rộng. Mặc dù thầy dạy môn sinh vật cho lớp 9 năm đó, nhưng mà thầy cũng dạy luôn bộ môn vật lý cho lớp 8 học sinh cùng trường. Sinh vật và vật lý là hai bộ môn hoàn toàn khác hẳn, một bên là nghiên cứu về khoa học tự nhiên, một bên là nghiên cứu về kỹ thuật. Vậy mà có bạn cho biết rằng thầy dạy vật lý cũng rất hay không thua gì sinh vật. Mỗi lần có giờ của thầy, lợi dụng giờ chơi, thầy đến lớp sớm hơn 10 phút, thầy dùng phấn trắng và phấn màu, để vẽ lên bảng toàn bộ một hệ thống học trong ngày hôm đó, có đầy đủ chi tiết, một cách mạch lạc rõ ràng. Đến khi tiếng chuông của tiết học bắt đầu, thấy đã có sẵn toàn bộ những gì trước mặt thầy muốn dạy cho học sinh trong ngày hôm đó.
 
Đức còn nhớ có một lần trong lớp có các thầy khác bên sở giáo dục qua dự giờ. Sau khi dạy gần xong tiết học, còn khoảng 15 phút, thầy bảo Đức đứng dậy và trả lời câu hỏi của thầy, một cách gián tiếp để tóm tắt lại những gì thầy đã giảng dạy trong ngày hôm đó, để cho học sinh có một cơ hội ôn lại những gì được học trong ngày hôm nay. Qua cách giảng dạy như vậy, nếu các bạn không có thời giờ, hoặc có thì giờ rất ít, cũng không cần phải để nhiều thời gian vào việc học, mà vẫn có thể học hỏi được nhiều kiến thức từ thầy ngay trong giờ học.
 
Có một hôm Thầy Du phó hiệu trưởng của trường dừng lại ở lớp 9G, thầy bảo rằng hôm nay thầy sẽ dạy cho các em một cái mẹo vặt nó rất là có lợi ích cho các em trong suốt đời sau này và các em sẽ mãi mãi không bao giờ quên nó được. Đức còn đang mơ hồ chưa định tâm được, không biết thầy đang nói về điều gì. Thầy bảo tiếp là thấy sẽ dạy cho các em hát, qua bài hát này, các em sẽ nhớ mãi các công thức của lượng giác học.. Wow, Đức nghĩ trong đầu, nếu đúng như lời thầy nói, thì đây quả thật là tuyệt vời...! Thầy bắt đầu cất cao giọng hát, cái miệng chu lại, ngẩng cổ cao hơn, và lấy bàn tay giơ lên để làm dấu giọng lên và xuống:
 
- Cos...Kề...Huyền.
 
Các học sinh phía dưới hát theo:
 
- Cos...Kề... Huyền.  ( có nghĩa là Cosin= cạnh kề chia cho cạnh Huyền)
 
Cứ thế mà thấy tiếp tục, và học sinh lập lại, cho đến khi hết bài hát.
 
- Sin... Đối... Huyền..
 
- Tang... Đối... Kề
 
- Cotang... Kề... Đối
 
Sau khi dạy cho lớp khoảng 15-20 phút, thấy Du tiếp tục đi sang những lớp kế bên để dạy cho các bạn ở lớp khác cùng bài hát. Các bạn không thể tin được rằng, lời của thầy rất là đúng, chỉ có 15 phút đó, mà nó giúp cho Đức rất nhiều sau này khi làm việc. Thường thì Đức làm việc với nhóm Design Engineers. Trong những bản vẽ (Blue Prints) của họ thỉnh thoảng thiếu đi những dữ kiện quan trọng, nhưng nếu mình có biết qua Trigonometry (Lượng Giác học) nhất là bài hát của thầy Du năm xưa, thì rất là hữu dụng, mình có thể giải quyết được nhiều vấn đề trong tic-tắc mà khỏi phải dựa vào những tài liệu khác để tính toán ra.
 
Rồi một hôm, có một tin không thể ngờ và không vui đến với các bạn học sinh trong trường, đã làm cho chúng tôi ngỡ ngàng trong bàng hoàng, là có một số thầy sẽ vĩnh viễn xa rời công việc giảng dạy, và chúng tôi sẽ mãi mãi không còn được gặp các thầy nầy nữa. Trong số những thầy ra đi bao gồm: Thầy Hiệp, thầy Thu, thầy Hài, thầy Gia.. Được tin mọi người đều bùi ngùi và lo lắng cho các thầy, vì không biết trong tương lai các thầy sẽ ra sao? Đức lặng người đi... chỉ biết cầu nguyện cho các thầy luôn gặp được những điều tốt đẹp hơn về sau và Đức biết rằng khó mà có dịp gặp lại được các thầy kính yêu này nữa.. Những giọt nước mắt lăn trên gò má của một gã thiếu niên với tuổi đời non trẻ, chưa hiểu biết nhiều và tương lai còn đang mù mịt.
 
 
Ngọc Anh hẹn với Đức tối nầy lên trên nhà nàng, để cùng tham khảo và giải những bài toán khó do thầy Ánh cho làm bài tập mấy ngày trước đây, và cũng trao đổi với nhau về dự định của chuyến đi thăm nhà thầy Hiệp sắp tới. Nhà Ngọc Anh ở trên ngã ba Cần Thơ, trong khu cư xá sĩ quan, kế bên Đại chủng viện, đối diện với Ngân hàng phát triển nông thôn trên đường Nguyễn Huệ. Đức hứa là sẽ đến. Ăn buổi cơm chiều xong, Đức trong lòng phơi phới, quần áo chỉnh tề, hơi chưng diện hơn mọi hôm một chút. Như đúng hẹn, Đức xách chiếc xe đạp, chạy một vòng lên cư xá sĩ quan để gặp Ngọc Anh. Đức đã đến, dựng chiếc xe đạp lại bên hàng hiên. Trong lúc ấy Ngoc Anh đang đánh vũ cầu trước sân với Ánh Hồng, cô bạn cùng học cùng lớp và ở nhà kế bên với Ngọc Anh. Thấy Đức tới, hai bạn cùng chào tôi.
 
Ngọc Anh: Chào anh Đức.
 
Ánh Hồng: Chào anh Đức. rồi quay qua bảo với Ngọc Anh:
 
- Ê mậy, anh Đức bữa nay tao thấy hơi là lạ.
 
Chưa đợi Ánh Hồng nói gì thêm. Đức mỉm cười:
 
- Chào hai bạn Ngọc Anh và Ánh Hồng. Hơi là lạ là sao hởi bạn Ánh Hồng?
 
- Hôm nay anh chưng diện nhiều... mái tóc của anh chải dợn lên.. giống như là Clint Eastwood trong film cao bồi của Mỹ vậy đó... hihihi...
 
- Trời đất... Ánh Hồng làm tôi quê quá đi.. bởi vì hôm nay tôi mới hớt tóc... chải hoài mà sao tóc không chịu nằm xuống, mà lại cứ nhỏng lên hoài giống như một cái đuôi gà. Thành ra cứ đứng trước kiếng mà chải hoài vậy đó.
 
Ngọc Anh thấy vậy mới đỡ lời:
 
- Thôi đi bà Tám, cứ chọc người ta hoài. Mai mốt rồi có người sẽ chọc lại xem. À mà anh Đức à, hay là anh đánh cầu chung với tụi em nhe. Sao anh tới trễ thế? Đợi anh mãi không thấy, nên Ngọc Anh mới ra đây rủ Ánh Hồng đánh vũ cầu cho vui.
 
- Cảm ơn Ngọc Anh.. thôi hai bạn cùng chơi đi.. Đức đứng xem cũng được.
 
Thật sự tôi cũng thích chơi vũ cầu lắm, nhưng hôm nay tôi lại đổi ý, thay vì đánh vũ cầu, mình đứng đây xem hai nàng đánh sẽ thích thú hơn, nhất là xem Ngọc Anh đang mặc một bộ đồ chơi thể thao mode mới, với quần cụt ngắn có luồn thung qua phía dưới của 2 ống quần bó sát vào đùi để lộ ra một cặp chân thon trắng nõn nà. Ôi, trời ơi... mỗi lần Ngọc Anh nhảy cao lên để đón banh, các đường cong tuyệt mỹ lộ ra rõ nét, ánh mắt đen huyền tròn xoe đó, vẻ mặt thẹn thùng yêu kiều kia, mỗi lần nàng nhìn sâu vào mắt tôi, làm cho tôi chới với, tôi như người không hồn lạc vào chốn chơi vơi, để rồi quên đường về. Bỗng một cơn mưa nhẹ lấm tấm chợt tạt xuống đây làm tôi tỉnh giấc mơ, trở về với hiện tại. Cuộc chơi vũ cầu đã dừng lại và bọn tôi đi vào nhà của Ngọc Anh để bàn việc đi đến nhà thăm thầy Hiệp theo lời mời của thầy.
 
Kế hoạch đi là như vậy. Mọi người sẽ tự đi bằng xe đạp, nếu người không có xe, sẽ được sắp xếp đi chung với người có xe, và các bạn đó xe luân phiên chở cho nhau. Chúng ta sẽ bắt đầu từ trường, chạy xe đạp về hướng cầu Vòng, rồi chạy qua cầu Ông Me hoặc là sẽ đi về hướng Chợ Cua Long Hồ. Sau đó sẽ đạp xe đạp về hướng Long Mỹ, đi qua một con đường đất, chạy qua giữa khu đồng ruộng. Khi đến tận cùng của đường đất nầy, sẽ gặp một con sông. Khi đó tất cả các bạn tập hợp lại, và gởi xe đạp ở cái nhà đầu tiên chúng ta gặp khi đến bờ sông. Người nhà của thầy sẽ đón chúng tôi tại đây, và sẽ dùng một ghe lớn để chở chúng tôi đến nhà của thầy ở xã Hòa Tịnh.
 
Kế hoạch đã vạch định xong, đến ngày hôm đó mọi người tập hợp đầy đủ ở trường bao gồm: Ngọc Anh, Ánh Hồng, Diệu, Kiệu, Thu Hương, Thanh Liễu, Hiền, Đạt, Huệ, Thắm, Ngôn, Bình, Đức,... Thời tiết hôm đó cũng đẹp trời, đã giúp chúng tôi đến nhà thầy đúng lúc, và đường đi không gặp trở ngại gì cả. Chúng tôi vừa đến nơi, thì cũng được biết các thầy khác trong trường như thấy Ánh, thầy Thu, thấy Hài cũng vừa giã từ thầy ra về..
 
Mặc dù mới xa cách thầy trong một thời gian ngắn thôi, mà khi gặp lại nhau, thấy tỏ vẻ quyến luyến các học trò của thầy, thầy bắt tay và vò đầu từng thằng. Hôm đó thầy vui và cười nhiều. Thấy dẫn tụi học sinh nam ra phía sau mấy liếp dừa của thầy, và nói rằng:
 
- Mấy em nam, có em nào leo được cây dừa không?  Thầy cho mấy em tha hồ mà bẻ xuống, muốn uống bao nhiêu cũng được. Thầy cho phép đó, dừa của thầy ở đây nhiều lắm, sẽ không bao giờ uống hết được.
 
Mọi người đều yên lặng! Chỉ có một bạn Đạt là dơ tay lên...
 
- Thầy ơi thầy để em leo lên cho thầy... Em nghĩ là em leo cây dừa giỏi lắm đó thầy... chuyện này dễ thôi thầy..
 
Huệ đứng gần đó... bảo với Đạt rằng:
 
- Được không bạn... Bảo đảm không đây... Chứ tôi thấy cái cánh tay cán vá của bạn quynh quang đưa ra ngoài nhiều quá, không biết có leo dừa được không?!
 
Mọi người nghe Huệ nói vậy, cả bọn cười lên. Thầy cũng cười theo nhưng lại quan tâm đến sự an toàn của Đạt, nên mới bảo rằng:
 
- Được không em....!
 
Cũng nên nói thêm là Đức có hai thằng bạn chơi thân, một thằng tên là Đạt có cái tay cán vá và một người bạn tên là Huệ, ở nhà gọi là Út Huệ, còn chúng bạn thì thỉnh thoảng có đứa gọi bạn là Huệ què, vì bạn ấy có tật ở chân lúc còn bé. Mặc dù hai bạn có tướng như thế, nhưng là những người bạn rất tốt, và rất là thiệt tình. Riêng hai bạn thì lúc nào gặp nhau cũng không đồng ý kiến, Đức phải đứng ở giữa là trọng tài giảng hòa.
 
 
Nhà thầy là một ngôi nhà tường khang trang nằm sâu trong vùng thôn quê hẻo lánh ở xã Hòa Tịnh. Cuộc sống ở đây rất là yên tịnh giống như cái tên mà người đã đặt cho nó. Nhà có ba gian với những cột nhà to lớn. Giữa nhà có trưng bài một đồng hồ to, đặc biệt trên mặt đồng hồ lại có ô cửa sổ, ngày tháng hiện lên trên đó rất là thuận lợi để biết ngày giờ.
 
Ồ, trở lại việc leo dừa của bạn Đạt. Anh leo dừa cũng được lắm nhưng khổ nỗi, mới leo được 2 phần 3 của cây dừa, thì một tiếng "xoạt" vang lên, cái quần cherviot màu xám của bạn bị bung đường chỉ nơi ống quần, có lẽ bởi vì bạn mặc quần hơi bó, mà leo dừa thường thì đòi hỏi người ta phải mặc quần rộng hay quần xà lỏn. Anh ta tuột xuống, và phải làm phiền đến cô, vợ của thầy, bỏ một ít thời giờ để may lại đường chỉ cho bạn. Rốt cuộc rồi... Các bạn có biết sao không? Tội nghiệp thầy vì thương đám học trò của mình phải leo lên và hái dừa xuống cho chúng tôi... Chúng tôi uống từng ngụm dừa, mà càng nhớ đến công ơn của thầy chủ nhiệm mình.
Trong khi đó các bạn nữ thì xuống bếp, cũng phụ với cô, làm gà, vịt để đãi buổi cơm trưa cho cả bọn lớp tôi. Trong buổi tiệc, có một ít rượu thuốc đã được ngâm từ lâu, mỗi đứa thử một chút.. Thầy bảo rằng:
 
-  Thầy đã ước lượng là các em chỉ có ngần ấy rượu để uống mà thôi. Các em chia sẻ với nhau để vui với thầy. Đứa nào mà tham uống hết thì những đứa khác sẽ nhịn.
 
Cả bọn chúng tôi đồng thanh:
 
- Dạ, chúng em vâng lời thầy.
 
Trầm ngâm một hồi lâu rồi thầy nói tiếp:
 
- ... có lẽ thầy trò mình sẽ ít có dịp hoặc là sẽ không có dịp còn gặp lại nhau nữa.. mỗi đứa hãy nếm một chút xíu ít với thầy để mãi mãi nhớ đến ngày hôm nay, và nhớ rằng làm gì đi nữa cũng phải cố gắng, không ngừng học hỏi trong tinh thần cầu tiến và nhất là luôn trau dồi đạo đức làm người... Đức vẫn còn nhớ mãi lời nói đó.
Trời cũng bắt đầu về chiều.. Cuộc vui nào cũng đến lúc chấm dứt... Chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ để chia tay thầy mình. Bỗng cô từ trong phòng đi ra nói với chúng tôi rằng:
 
- Thầy không được khỏe, và buồn nhiều,.. các em vào trong an ủi thầy...
 
Chúng tôi chạy ùa vào phòng bên trong... Thầy đang nghẹn ngào... ôm từng người bạn chúng tôi.. mà nức nở... Lần đầu tiên và có lẽ đây là lần sau cùng chúng tôi thấy như vậy... thầy kể lể và quyến luyến không muốn rời chúng tôi.. Tình cảm của thầy dành cho chúng tôi thật là đậm đà, tình nghĩa thầy trò cao quý hơn hơn bao giờ hết. Chúng tôi mỗi đứa an ủi thầy, và hứa sẽ trở lại thăm thầy sau nầy...!
Chúng tôi thu xếp rồi nói lời giã từ thầy và cô, đoàn người leo lên ghe trở về Vĩnh Long. Ngồi trên ghe mọi người mang một tâm trạng khác nhau.. Riêng Đức thì sao thấy thương Thầy và Cô của mình nhiều quá, tự nói với bản thân mình, bằng mọi cách có dịp nào sẽ trở về Hòa Tịnh để thăm người Thầy và Cô kính mến của mình.
 
 
Sau khi rời ghe, chúng tôi bắt đầu chạy xe đạp về Vĩnh Long qua hướng Cầu Ông Me. Tại đây Đức gặp nhiều vấn đề với các cô tiểu thư trong lớp. Lúc thì Ngọc Anh bảo rằng:
 
- Anh Đức, xe em bị sút sên!
 
Có lúc thì Thu Hương bảo rằng:
 
- Anh Đức, xe Hương bị đứt thắng!
 
Còn Ánh Hồng:
 
- Em thấy đau bụng...
 
Tôi đã bắt đầu thấy lo rồi... Không biết từ đây về lại tới trường... sẽ còn có bao nhiêu là vấn đề nữa đây. Cuối cùng rồi chúng tôi cũng về tới trường an toàn, và như có một linh tính bảo với tôi rằng, có lẽ đây lần cuối cùng chúng tôi gặp mặt đầy đủ với nhau... Để rồi mai này nầy, chúng tôi sẽ như những cánh chim tung cánh bay xa, mọi người sẽ đi về một hướng, khó mà biết được chim bay về đâu..
 
Thời gian trôi qua... Cuộc sống và mọi thứ rồi cũng trôi qua... như dòng sông Cái Cá... Khó ai có thể tắm dòng sông cũ trở lại như trước đây.
 
Đức Hiệp
Feb. 17, 2014
 
 
 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.