TKH - banner 05

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 3 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar InactiveStar Inactive
 

 

     Phần đông người ta luôn ca tụng tuổi học trò. Ai cũng cho rằng đó là thời gian hoa mộng. Nhiều người nhắc về tuổi học trò với biết bao kỷ niệm êm đềm giữa thầy cô và bạn bè. Riêng tôi, luyến lưu về tuổi mộng mơ thì ít, nhớ để suy gẫm, giận dỗi lại nhiều hơn. Từ ngày học vỡ lòng trong những lớp học không đúng tiêu chuẩn của lớp, ghế ngồi đôi khi là khúc gỗ chưa kịp bửa, hoặc cái ghế chỉ còn ba chân, người ta vứt nó trong góc kẹt nào đó chưa có thời gian sửa chữa, nay bất đắc dĩ lấy đem ra để phục hồi tước vị: cái ghế. Phải kể rõ như thế để độc giả thấy được cái nghèo, cái khổ của học sinh miệt vườn thời Tây thuộc. Thầy cô hiếm có người đủ kinh nghiệm và kiến thức để đảm nhiệm chức vụ dạy học, họ (giáo chức) có thể năm tháng trước còn là học sinh như tụi tôi, thiếu người nên tạm thay chân giáo viên. Cũng có vị rất thông thái, nói tiếng Tây như gió, họ vô bưng mong cùng mọi người đứng lên cứu nước, có thể vì tổ chức chưa tin tưởng nên giao cho họ chân giáo học để tiếp tục theo dõi. Họ phải đảm nhiệm lớp học, học sinh trình độ khác nhau, người đọc viết rành rẽ, kẻ thì chữ A chữ B chưa thông.

Học mãi trường xóm lâu ngày cũng “hết chữ”, muốn học thêm chỉ có cách ra học trường do chính phủ Pháp mở ở các làng xã, quận, tỉnh. Trước khi gia nhập trường làng người học sinh, phải rất can đảm mới dám đi học. Ở xóm, không biết căn cứ vào đâu, người ta đồn thầy giáo trường Tây rất khó và dữ lắm. Hình phạt thông thường là bắt quì xơ mít. Chắc ai cũng biết trái mít có gai, khi chín xẻ mít ăn những múi ngọt, thơm; vỏ có gai quăng vào hố rác, hoặc quăng xuống sông, hành động nầy được người dân nói lái, thanh âm giống như nói tiếng Tây (quých xơ măng bông sên = quăng xơ mít bên sông) nếu quì trên xơ mít mười phút thôi thì cũng đổ máu ở đầu gối. Ngoài quì xơ mít còn hình phạt nữa là đánh bằng roi mây.

Tới bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao người trong xóm, ấp đáng lẽ khuyến khích con cháu mình đi học để trở thành người hữu dụng, quí ông bà đó thời Việt Minh lại dùng lối hù dọa để ngăn cản con em mình tiến thân, hay là họ theo lối tuyên truyền rỉ tai của những người chống Tây quá khích sợ rằng học sinh học trường Tây rồi sẽ theo Tây chống lại họ chăng?. Nghe nhiều lời đồn đại của một số người lớn, khiến tôi xin vào học trường làng với tâm trạng phập phồng.

Khi vào học mắt tôi luôn láo liên nhìn đăm đăm vào ông thầy trong lúc ông tới lui trong lớp học, quí vị biết tại sao? Tôi sợ ông thầy bất thần ra tay đánh còn có thể tránh né hay chạy được. Học được hai ngày, tôi chưa thấy ông thầy đánh ai, trái lại luôn gọi học trò là con hay em nghe thân mật lắm. Như vậy chẳng lẽ những lời đồn đại về hình phạt khắc nghiệt của quí vị giáo chức trào Tây là sai? Tôi vào học gần hết niên khóa, nên chỉ học bốn tuần lại tới nghỉ hè ba tháng. Trở về xóm, bao nhiêu cặp mắt đổ dồn về tôi. Mấy bạn cùng trang lứa nhìn tôi từ đầu tới chân, thậm chí có bạn còn đưa tay sờ mông của tôi để tìm dấu lằn roi mây mà theo các bạn ấy đinh ninh tôi phải ăn đòn nhiều lần.

Ở trường làng, những học trò như tôi còn gặp một vài rắc rối nữa, học sinh cũ thường nhìn tôi với cặp mắt khinh khỉnh, trong thâm tâm các bạn ấy học trò vườn như tôi, chắc phải ngu dốt hơn bọn họ, lúc chuyện trò mấy “trự“ ấy luôn hỏi tôi: "Mầy biết chưa? Có ai dạy mầy chưa?" Ban đầu tôi còn thủ lễ. Được thể họ còn tỏ ra phách lối hơn. Tôi nhớ có lần ngồi kế tôi là Kịch, nhà ở chợ thấy tôi nhường nhịn, hắn tưởng tôi sợ. Khi thầy giảng bài không chú ý, hắn gác chân lên đùi tôi, một vài lần tôi nhè nhẹ xô chân hắn xuống, được thế hắn tiếp tục. Tức quá tôi hất chân hắn mạnh trúng bàn một cái rầm, đồng thời tôi cho hắn một đấm ngay mặt với tất cả sự tức giận. Thầy giáo hỏi tự sự, tôi tình thiệt khai ngay. Cả hai đứa bị khẻ tay, riêng tôi bị cú véo vặn của thầy mấy ngày chưa hết bầm vì tội quá du côn. Những ngày sau, Kịch làm hòa và hắn nói ba má hắn dặn tránh xa mấy thằng học sinh trong vùng Việt Minh vì mấy học sinh đó thường có hành động du côn. Từ ngày đánh lộn bị phạt cho đến hết niên học tôi luôn là học trò ngoan, nét mặt ruộng rẫy theo ngày tháng dần dần thay đổi. Bạn bè không còn kỳ thị như khi mới vào học. Sang năm học kế tiếp, tụi tôi miệt mài sách vở để đi thi bằng Sơ Học Yếu Lược. Phải đỗ kỳ thi nầy mới được lên lớp Nhì tức Cours Moyen. Nửa năm đầu của lớp Nhì, tôi vẫn học vui vẻ với bạn bè. Bọn học sinh miệt vườn thường dỡ cơm mang theo ăn bữa trưa. Chuẩn bị bữa ăn trưa, má tôi thường nhồi cơm trong mo cau rồi cuốn tròn như đòn bánh tét, trong cơm má tôi để cá kho khô hoặc tôm kho tàu tùy theo mùa. Nếu hôm nào nhà không cá, không tôm thì trưa tôi thường mua hai cắc tương hột xin thêm chút đường cát mỡ gà cũng xong. Chúng tôi thường chọn chỗ có bóng cây cùng nhau ngồi ăn, xong đi chơi một chút chờ giờ học chiều. Năm lớp Nhì tôi có thầy mới, ông có tướng đi bệ vệ, tiếng nói rổn rảng, đặc biệt thầy có da có thịt, và chúng tôi gọi thầy giáo lấy bụng ở đời (mập, bụng to), tôi học với thầy, lúc đầu thầy cũng vui vẻ, thầy thường khoe về gia thế, con đại điền chủ miệt Tam Bình. Nghe và biết để bụng, chứ lúc đó tôi nào biết Tam Bình ở đâu? Tôi không biết giữa tôi và thầy có điểm nào tương đồng mà ông bắt đầu chú ý đến tôi. Ông cũng mang cơm theo ăn chứ không ăn cơm tháng như quí thầy khác. Một hôm sau khi ăn cơm xong ông ra ngoài gặp tôi ngồi chơi ngoài gốc điệp, ông gọi tôi vào lớp. Sau màn hỏi thăm lý lịch như ba má làm gì có mấy anh em .v.v. Xong màn thăm hỏi tới nhờ chút chuyện, thầy nhờ tôi nhổ giùm tóc ngứa. Tưởng rằng chỉ nhổ giúp ông một bữa, nào dè thấy tôi có khiếu nhổ tóc ngứa nên thầy mượn nhổ luôn cả tuần mà quên nói ngày nào nghỉ. Tôi vốn là học trò lễ nghĩa, chưa bao giờ thầy gọi mà quên thưa, quên dạ, nhưng cái vụ nầy tôi thấy hơi kỳ, trưa con nhà nghèo đi học lang thang tìm bóng cây tránh nắng, ông thầy nhờ nhổ tóc, trong khi ổng lim dim thả hồn theo gió theo mây, còn mình phải cặm cụi vạch tìm nhổ thử hỏi có bất công không nhỉ?! Tôi bên ngoài nhìn thì là dân vào ra khuôn phép, nhưng trong tôi luôn có sức đề kháng mãnh liệt. Cùng trang lứa ức hiếp, tôi giải quyết bằng tay chân, lớn hơn tôi không cộng tác, trường hợp ông thầy hơn tuần lễ ổng diễn trò “jouer papa “ nhịn cũng tới độ nào thôi. Bắt đầu từ ngày N tôi quyết định mỗi trưa tôi qua bên chợ tìm chỗ ngồi ăn cơm trưa, không lảng vảng gần trường sợ ông thầy nhờ vã. Những ngày tiếp theo ông thầy cũng làm thinh, tôi lại càng không nói tiếng nào. Ông thầy tôi vốn dĩ là ông đốc ở trường, ông đinh ninh sang năm lên lớp nhứt tôi vẫn còn phải học với ông nữa, trong giờ học ông nói xa gần đại ý: đừng tưởng lên lớp rồi tỏ ra ương ngạnh, thật tình tôi nào có hành động nào ngỗ nghịch đâu.

Tôi cảm thấy ngột ngạt khi vào học, nghe ông nói bóng gió nhiều lúc tôi muốn bỏ học. Đi học hết vui vẻ, toàn lo âu hết ngày nầy sang ngày khác.

Nghỉ hè ba tháng, tôi chán nãn không buồn rớ tới sách vở, ngày nào cũng ra ruộng hết cắm câu lại giăng lưới. Ngày tháng qua mau lại tới tựu trường, tôi đi học với tâm trạng chán chường. Tôi đứng xớ rớ với các bạn, van vái cho người dạy lớp Nhứt không phải là thầy cũ của tôi năm lớp Nhì. May quá trường học năm nay nhiều thay đổi. Ông đốc học cũng là người trẻ thoạt nhìn thấy có cảm tình. Trống đánh một hồi ba dùi, tất cả học sinh sắp hàng trước lớp của mình. Học sinh lớp Nhứt (vì trường mới mở lớp Nhứt năm đầu), còn xớ rớ chưa biết sắp hàng chỗ nào. Ông Hiệu trưởng cầm danh sách học sinh lớp Nhứt và đọc tên. Thật hú hồn, lớp Nhứt có tên tôi, như vậy khỏi phải sợ thầy lớp Nhì làm khó dễ nữa.

Vào lớp mới, học với thầy mới như vậy tôi may mắn vượt qua sự sợ hãi vốn có và đeo dẳng bên tôi mấy tháng nay. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tựu trường được hơn một tháng, tất cả học sinh lớp Nhứt ai cũng thích cách dạy cũng như cách xử sự của thầy. Lấy kinh nghiệm từ năm trước lúc ăn cơm trưa tôi không lảng vảng gần lớp vì tôi sợ thầy mượn nhổ tóc ngứa như hồi học lớp nhì. Thầy lớp nhì vẫn chưa chịu buông tha cho tôi. Một buổi chiều thầy Hiệu Trưởng sang nhà việc của làng để bảo lãnh cho một học sinh bị Tây đi ruồng bắt về vì nghi anh là Việt Minh, mặc dù anh đã xuất trình thẻ học sinh và giấy khai sanh, có lẽ anh có tác cao lớn, ông Hiệu Trưởng nhờ thầy nhì trông lớp hộ, mấy tháng nay không có dịp nói chuyện với tôi. Việc đầu tiên ông vào lớp sau khi học sinh đứng lên chào thầy như thông lệ, ông kêu tôi đứng lên và hỏi tôi học hành ra sao. Tôi còn ú ớ chả lẽ tôi nói là tôi đứng hạng từ một đến năm trong suốt ba tháng liền, như vậy có vẻ phách lối quá. Thầy bồi thêm một câu nữa cả lớp ai cũng bất bình giùm tôi

- Hỏi chơi chứ tao biết mầy không đứng bét là may lắm rồi. (ông thầy có thói quen xưng mầy tao theo ngôn ngữ bình dân).

Kế đến thầy Hiệu trưởng (cũng là thầy đang dạy tôi lớp nhứt) về đến với anh bạn bị Tây bắt. Hai thầy nói chuyện qua loa về việc bảo lãnh cho Trí. Trí về chỗ ngồi mặt mày còn xanh dờn. Cả lớp hỏi sao Trí không châm tiếng Tây với tụi lính. Trí cho biết tụi nó làm quá anh run nên quên hết chữ, anh chỉ nói được câu tôi là học sinh lớp nhứt ở trường Phú Quới. Tụi tôi còn quay anh Trí dài dài. Bây giờ thầy nhì hỏi thầy nhứt:

- Thằng S. học ra sao ông?

Thầy Nhứt đáp:

- Nó là học trò cưng của ông nên sang đây cũng là học trò giỏi

Thầy nhì sừng sộ:

- Nó mà học trò giỏi?

Ông quá ngạc nhiên nói

- Nếu năm nay mà nó thi đậu thì ông vanh hai tay tôi. Ai bảo nó thi đậu tôi cá một tháng lương.

Tôi nghe từng chữ của ông thầy nhì thốt, lúc ấy mặt tôi bừng bừng giận, nếu không kềm chế được, tôi dám hét lên: "Ông im miệng cho tôi nhờ".

Thầy Nhì ra khỏi lớp, mặt tôi vẫn còn đỏ vì giận. Thầy tôi an ủi:

- Ổng nói vậy em phải ráng học thi đậu cao cho ổng ngán.

Các bạn trong lớp tìm nguyên nhân của việc xích mích quá lớn giữa thầy và trò. Tôi luôn trả lời là tôi không biết tại sao. Nếu tôi nói rõ nguyên nhân chắc chắn toàn thể học sinh sẽ chê bai ông. Tôi nói không biết là muốn giữ thể diện cho ông thầy dù ông đã cạn tàu ráo máng với tôi.

Bắt đầu từ ngày hôm nay ở nhà tôi học chăm hơn, nhưng mỗi lần nhớ tới giọng nói đầy khinh miệt của thầy Nhì, mặt tôi nóng ran lên và chỉ còn nước xếp sách vở tìm nơi nào yên tĩnh ngồi một hồi mới tiếp tục học lại. Lớp tôi và lớp nhì cách nhau chỉ một tấm vách lá, giọng thầy nhì oang oang khiến tôi thêm tức, cuối cùng tôi xin thầy cho tôi lên bàn đầu sát vách cận bàn các nữ sinh. Các bạn nam chọc ghẹo tôi cho rằng tôi ngồi thế để gần cô Hương cô Hồng, nhưng có lẽ thầy tôi hiểu nguyên do của sự thay đổi nên thầy đồng ý không thắc mắc.

Đến kỳ thi, tôi tự tin là sẽ đậu nhưng vẫn hồi hộp, nếu rớt chỉ còn nước bỏ trường bỏ lớp về nhà chăn trâu, chăn vịt. Cũng may là trong số mười thí sinh trúng tuyển tôi có số điểm cao nhứt đó là lời của thầy tôi thuật lại. Biết tôi thi đậu ông thầy lớp nhì nói một câu trớt qướt:

- Tôi nói vậy để nó ráng học

Từ lúc thi xong tôi không muốn gặp ông thầy Nhì nữa, ghét giận tôi đều cho đi vào quên lãng. Những năm sau nầy, tôi không bao giờ tỏ ra thân thiện với bất cứ thầy cô nào, tôi giữ khoảng cách giữa thầy và trò. Ở bậc trung học tôi hy vọng thầy cô đừng ai để ý đến tên tôi. Tôi nghĩ tôi đã học được bài học quí báu khi còn mang danh nghĩa học trò. Nghĩ rằng mình vượt qua những rắc rối không đáng có ở tuổi học trò. Nhưng tôi vẫn còn vướng vào những phiền muộn khác. Năm đệ Ngũ ngày nay là lớp Tám, tôi học Pháp văn với giáo sư người Bắc, nếu học với giáo sư khác chắc là không có chuyện phiền hà xảy ra. Trong giờ Pháp văn ông dạy cách làm câu với chữ C’est… que de…

Ông cho thí dụ và tụi tôi làm tiếp năm câu ông mang về chấm điểm. Bốn câu đầu tôi làm đúng câu chót tôi viết: "C’est mal que de courtiser une jeune fille". Câu tôi viết chắc chắn không trật về ngữ pháp, khi hoàn bài lại tôi thấy ông gạch đỏ bài của tôi và để dấu chấm hỏi. Thay vì hỏi tại sao tôi viết như thế thì có lẽ tôi không viết nên chuyện nầy. Ông bắt đầu hỏi tôi ở đâu đi học, xa hay gần, ba má tôi làm nghề gì. Lúc nầy tôi đổ quạu và trả lời:

- Tôi viết sai thầy chỉ tôi sửa, sao lại hỏi nghề nghiệp của Ba Má tôi.

Ông thấy tôi không trả lời ông mang bài làm của tôi nhờ ban Giám Đốc giải quyết. Kiểm điểm tôi thấy tôi không có lỗi gì, nên tỉnh bơ chờ giám thị gọi. Chờ mãi không ai gọi. Có lẽ vị giáo sư ấy mắc bịnh nhạy cảm chăng? Sau nầy tôi kể câu chuyện với vị giáo sư khác, vị giáo sư cho biết thầy Pháp văn của tôi mang bịnh đa nghi, dưới cái nhìn của ông ai cũng là Việt Cộng vì trước khi di cư ông là Quận Trưởng vùng Bùi Chu Phát Diệm nên ông quen với tâm lý nghề nghiệp. Lúc đọc câu văn có vẻ khác thường, ông tưởng là tôi ngạo ông, chỉ có Việt Cộng mới làm thế. Về phần tôi, tôi dự định làm đơn thưa ông thầy, nhưng kịp nghĩ thưa ổng chẳng khác nào con kiến mà kiện cũ khoai nên tôi bỏ ý định. Nay viết nên câu chuyện nầy cũng là hình thức xã stress tôi giữ trong người gần suốt cuộc đời.

Viết xong Feb. 11, 2014

Nguyễn Thành Sơn
 
 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.