TKH - banner 06

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
 
Kính dâng hương hồn  A. Lê Đăng Ngô Hiến, Cố GS. Trường TPH/ VL, khoảng  1964-1966.
 
Chính Hồ.
Suốt mấy năm nay, tôi không hề cầm nổi cây viết, biên cho ai một lá thơ trang  trọng. Có nhiều lý lẽ. Nhưng điều can hệ hơn hết là cuộc sống nầy không cho phép bất cứ người nào quan trọng hóa vấn đề gì, dầu đó là việc thiết thân với mạng sống của mình.
Bây giờ tôi đành lại phải cầm viết. Viết đặc biệt cho riêng Anh. Viết để đỡ nhớ thương Anh. Viết để bù lại những năm tháng dài qua mất rồi, hai đứa mình không hề biết nói với nhau một lời trang trọng.
 
 
Gặp nhau một đêm, một buổi, một giờ hay mười lăm phút. Anh – Lính hành quân bỏ túi; tôi – quân vụ ngập đầu. Chúng mình chỉ kịp nháy mắt cười với nhau một miếng chân tình, rồi hấp tấp lôi nhau ra bar, ra quán hay… ngồi bệt quanh  một sạp chợ trời khô nướng.
… “ Mầy một chung; tao một chung. Tao một xị; mầy một xị. Mầy bao nhiêu chai; tao bấy nhiêu chai… Rượu ngon thêm có bạn hiền…” . Và chúng mình lẳng lặng đốt thuốc, ngửa mặt nhìn trời. Và chúng mình cười vang thác đổ. Và chúng mình quàng nhau, mắt đom đóm đỏ….
 
Lần nào cũng như lần nào…
Tôi tự gọi Anh bằng Anh, một đại từ trước kia anh thâm ghét, để thay cho tiếng “ Mầy, Tao”, chúng mình vẫn sử dụng với nhau. Chắc Anh không nỡ trách tôi. Anh thừa biết, từ thâm tâm, tôi vẫn quý mến Anh như một người anh kia mà! Nào có phải đến giờ nầy mà đã từ những ngày chúng mình vừa lên mười ba, mười bốn xa xưa.
Cây nhang trên trang thờ Anh, ngay trên đầu tôi, trong phòng dành cho anh lính độc thân chật hẹp, vẫn cháy, cháy âm thầm, cháy lặng lẽ. Âm thầm, lặng lẽ, như vận mạng chúng mình.
Tôi nhớ Anh lắm! Càng nhớ Anh, tôi lại thêm thương Anh.
Cũng là ngày này, hai mươi sáu tháng trước, Anh đã nằm xuống. Anh đã hiên ngang ngả xuống, trong đội trinh sát đầu tiên chiếm đỉnh núi, giữa cây lá hóa rừng, giữa trời xanh mây trắng của vùng Cô Tô thâm u. Bằng một thân xác heo hắt chịu đựng, một linh hồn dang dở u trầm, Anh đã nằm xuống – Trên nửa lưng chừng núi. Kia là chỗ Anh an nghỉ và dưới nầy đây là nơi chúng tôi đứng, cách nhau một khoảng đường dốc thẳng lắm bụi hồng và đầy chông gai.
 
Anh nằm đó. Không giẫy giụa, không rên rỉ, trối trăn một lời. Thế là thêm một lần thua cuộc. Và Anh lặng lẽ cam chịu thua cuộc như Anh đã hằng chịu đựng trong kiếp ba mươi. Chỉ thua lỗ thêm lần này để rồi không bao giờ thua lỗ nữa… Phải thế không Anh?
Có điều là trong lần sau cùng nầy, không một bằng hữu nào của Anh được xen dự vào, dầu chỉ để gánh vác với Anh một phần trăm… Rõ ràng là tánh Anh vẫn thế… muốn ôm đồm một mình hết bất lợi trong đời.
Cũng có thể rằng cái chết đến với Anh như một kỳ ngộ dịu dàng, như một giải thoát đúng nghĩa những ưu phiền thế sự ngày thêm chất nặng trong Anh. Và Anh ung dung đi vào vùng “ đất cấm” đó, mát mẻ thân xác, yên lành tâm hồn, không một gợn luyến lưu cuộc sống.
Thật ra, Anh có gì đâu để luyến với lưu. Anh hoàn toàn không có đen trắng ngoài thân thế và xanh tím ở đáy lòng. Từ nhiều năm, Anh chẳng coi như không mọi việc là gì. Ngoại trừ một thứ bịnh hoạn tai ương, Tình Người.
Anh như chiếc bóng thoạt đến với mọi người bằng nụ cười hoa nở. Rồi vụt biến đi trong dư âm nhè nhe ngân đều. Những người quen biết Anh đều khó quên nụ cười đặc biệt nơi Anh. Nụ cười dòn đều như  một tràng đạn Carbine M7. Đôi khi găng gắt và hăng hăng cay mắt. Tiếng cười bên trong như phong kín bao u uẩn một kiếp người.
Anh nằm xuống. Đôi mắt nhắm thanh thản như trẻ thơ say mộng. Một cuộn băng trắng quấn quanh đầu như thể ( ???). Mái tóc hớt ngắn, lòa xòa che trán. Đôi cánh tay dài, xương xẩu, buông xuôi.
Thôi. Buông xuôi tất cả, mang vành khăn trắng, chứng tích ba mươi năm tang tóc, đi tìm bến mộng ở thế giới mới, không tủi hận, chẳng tiếc thương.
Nhưng còn tôi. Tôi hận tủi, tôi thương tiếc cho Anh.
Viên đạn đồng giặc thù thật vô tình và nghiệt ngã. Sao nỡ tìm ghim vào đầu người đáng sống trăm năm như Anh. Anh vẫn thường đùa với bạn bè “ Tai như tai Phật. Sống dai lắm”. Tai thì đúng là tai Phật, nhưng Anh sống chưa tròn đến nửa đời người.
Phải mà! Người như Anh thì cần chết yểu, chết non để sớm đi nhanh lên thế giới trên kia. Chừa lại mặt đất nầy cho tôi cùng những người đồng hành của tôi, với hận thù dằng dặc, với bội phản chập chùng.
Hay là Anh sợ sống, mặc dầu Anh chưa hề hèn nhát? Sống làm gì! Có mấy ai chịu hiểu mà dung nạp nổi một tâm hồn như Anh. Đâu đâu, cũng thấy đói rách, cũng nghe xa vắng lạnh lùng.
Hay là Anh chán sống? Với ba mươi, Anh đã sống trọn đủ kiếp người rồi sao?
Nào ai biết được Anh bao giờ! Bởi vì Anh có tâm sự với ai bao giờ; có chia sẻ điều gì với ai bao giờ!
Anh đã chết? Hay thật sự Anh đang đi vào cuộc đời mới thênh thang rộng, bát ngát thơm, vĩnh viễn không có lẽ còn mất, mãi mãi không phản phúc, hận thù.
Và tôi, đang tưởng nhớ Anh đây, cùng những người quanh tôi, còn sống hay đã triền miên khắc khoải trong cõi chết, từ vạn triệu kiếp nào?
Tôi đang khóc Anh đã chết. Hay Anh đang khóc tôi chưa sống?
 
Điều chắc chắn là cả Anh lẫn tôi đều nhìn nhận là chúng mình đang khóc thương nhau. Không phải bởi lý do xa nhau – vì vẫn gần nhau gang tấc, phải không Anh? – mà bởi cách mặt nhau từ hai bến bờ.
Mai ngày, trên đường xa giong ruổi một mình, tôi có thể lại bước vào thế giới của Anh như bao nhiêu người bạn trẻ khác cùng thế hệ chúng mình, nhưng chắc gì ta được hội ngộ.
Tôi thua kém Anh xa quá! Đối với Anh, tôi hèn mọn và bé bỏng. làm gì được vinh hạnh chung sống một  cỏi với Anh…
Có lẽ chính vì vậy mà tôi buồn thật nhiều. Tôi biết tôi vĩnh viễn mất Anh rồi… Như hòn ngọc trầm xuống biển Đông. Như đôi cánh thiên thần tung khỏi vòng tay  hồng trần  e  ấp, bay bổng lên tận chín tầng mây. Dư ảnh đã tan lâu, chỉ còn lại từ hành tinh nầy, lẻ loi cái bóng vẫy tay  chới với và ánh mắt thâm tình  ứa lệ rưng rưng.
Trong những ngày biến động chập chùng nầy, Đất nước chông chênh nầy, giá có Anh bên cạnh, tôi yên tâm biết mấy.
Không còn anh, từ nay, tôi biết han hỏi ai, bàn bạc, chia sẻ với ai…
Hai đứa mình từng chứng kiến bao nhiêu là cảnh  chết. Có cái chết hàng loạt người văng óc, vỡ tim. Có cái thi thể người tan tác như chà cau, xác pháo. Có cái chết thân người phân thành nhiều đoạn…. Nhưng nói chung, có được mấy cái chết khiến được mình buồn quá năm phút. Những người nhập cuộc như Anh, như tôi, như những chiến hữu khác không đủ thì giờ để buồn cho thế sự lâu hơn nữa. mạng sống mình và đồng đội mình là vấn đề khẩn thiết hơn nhiều.
Đã chai lì với chết chóc, nhưng từ ngày Anh nằm xuống đến nay, hằng vạn cái năm phút trôi qua rồi, sao chúng mình vẫn chưa nghe khuây khỏa, hỡi Anh?
Thật vô duyên và oái oăm là sau những năm dài trôi nổi ngược xuôi, tôi lại về đây.  Về cái thành phố đánh dấu vô vàn kỷ niệm không phai của hai đứa mình. Tôi muốn kể ra đây. Nhưng nói ra ích gì, phải vậy không Anh?
Và nay tôi lại phải miễn cưỡng lãnh lấy cái nghiệp bất đắc dĩ của Anh trước kia. Cũng là cảnh nầy, cũng mái trường kia, mười mấy năm qua, chúng mình một bước khó rời.
“ Ôi! Mình nào có học hỏi được cái gì? Làm sao chỉ vẽ ai đây? Túi khôn loài người ở đâu? Ở Socrate, ở Huton, ở Khổng Khâu, Lý Đan hay “ lòng người”.
Mất Anh rồi, những nghi vấn như thế đó, tôi biết đem đàm luận với ai!
Với con tim nửa mảnh chơi vơi, với khối óc hoang phế như căn nhà vùng onh kích tự do, tôi phải mang râu, đội mũ, múa hát gì đây.
Còn lại chút lửa hương của Anh trong lòng, tôi chỉ có thể theo gương Anh mà thét lớn lên với tuổi trẻ hôm nay hai tiếng Chân Tình. Vẻn vẹn có hai tiếng ấy mà Anh đã chẳng quản phí trọn một đời người.
“… Một chiếc mô tô, đèo nhau hai thằng bạn, trăng sáng thắp lòng và hoa gấm nở tay, lang bạt rày đây mai đó, đi cho hết đời, núi cao xây nhà, sông sâu làm cửa…”. Nguyện ước đó ngày nào của chúng mình đời đời chỉ còn là giấc mộng không thành.
Và chúng mình đành phải dời lại một dịp khác ngoài cuộc đời nầy, Anh nhé./.
 
 
Chính Hồ

Comments  

#1 Noi voi nguoi ben kiaPhuong Vo 2015-12-03 23:37
Cám ơn thầy Chính đã cho đọc bài đoản văn"Nói với người bên kia" làm em rất cãm xúc nhớ thầy Lê Đăng Ngô Hiến mà cách đây trên 50 năm em đã từng là học trò của thầy và chồng em anh Lê văn Cẩn cùng quê vóí thầy An Hửu Cái Bè Mỷ Tho cũng hay thường nhắc nhở dến đức tánh hiền hoà, khiêm tốn của thầy cho em nghe.
Thời chiến tranh âu cũng là số phận của mỗi con người.
Trân trong.
Phương Võ.
Quote

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.