TKH - banner 03

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 
   

    Người ta bỏ nước ra đi có thể có nhiều lý do. Riêng gia đình tôi gồm vợ chồng, con cái chỉ một lý duy nhứt; chúng tôi không thể sống ở Việt Nam, nơi tôi sinh ra, lớn lên và từng phục vụ ở đó với hoài bảo đem lại sư thịnh vượng, an vui cho mọi người. Chúng tôi đã thất bại, chánh quyền mới càng ngày càng siết chặt vòng phong tỏa, khiến tôi cảm thấy như nghẹt thở, con cái tôi bị bắt buộc phải thôi học khi xong cấp một chỉ vì ba chúng là sĩ quan chế độ cũ. Tôi quyết định vượt ngục và  thành công.

    Ra khỏi  khám không có nghĩa là được tự do. Người vượt trại phải ghi nhớ một điều  là họ đang còn trong trại giam rộng lớn hơn với chánh sách hộ khẩu và công an trị. Léng phéng về thăm nhà hay lân la trong tỉnh dễ bị bắt trở lại. Tôi luôn tâm niệm điều đó nên hết bôn ba miền Long Khánh đến rừng Cái Nước, Năm  Căn với hy vọng sẽ tìm được con đường ra đi.
Mấy ông thầy Tử vi thường nói.
  Đất có tuần, người có vận.
  Mình đang ở vào” tuần triệt “chăng mà mấy năm nay làm gì cũng hoàn toàn thất bại. Tin vào số mạng thì cũng tin,nhưng tôi luôn nhủ với lòng: Còn nước còn tát. Phải tận nhân lực mới biết rõ vận số của mình về đâu. Chính vì có niềm tin sẽ đưa được gia đình mình tới bến bờ tự do nên tôi luôn vượt qua những trở ngại nho nhỏ; có lúc  nhập đoàn với người tha phương cầu thực đi làm cỏ bắp, cỏ mía, đốn mía cho lò đường. Trong thời gian nầy tôi học thêm  nghề mới: nghề chụm lửa cho lò đường,không bao lâu tôi thành thợ lửa khá nổi tiếng trong vùng tôi lánh nạn. Bà con càng tin tưởng tôi càng lo âu sợ bị lộ tẩy. Tôi giả bịnh về Sài gòn và tìm đường đến Cái Nước (Càmau).

alt
 
    Các em họ khuyên tôi nên khẫn rừng, làm rẫy, hoặc sắm chiếc ghe với lưới, câu sống cuộc đời :” Khỏe quơ chài kéo, mệt quăng câu dầm.” Tôi còn đang lưỡng lự giữa làm ông câu và ông tiều. May quá! Vận may tới rồi. Tôi sắp vượt biên. Người tổ chức là anh Thành, một đồng nghiệp rất thân với gia đình chúng tôi anh tổ chức chuyến đi cho  cả nhà, nhân tiện anh chở tôi đi luôn vì anh biết rõ tình cảnh tôi rất nguy hiểm nếu chẳng may bị bắt trở lại. Chẳng  những khỏi phải đóng tiền anh còn giúp vợ tôi hai chỉ vàng làm vốn nuôi con cái khi vắng tôi.

    Về tới Sài gòn, Thành cùng tôi đi ngay xuống Bến Tre để tiếp xúc với taxi (taxi=người chèo đò chở khách  ra ghe lớn; ghe lớn tiếng nghề  nghiệp gọi là cá lớn), mỗi người taxi thường nhận một số tiền khá to, nhiệm vụ của họ đưa khách ra đến cá lớn thôi. Đi được hay không họ vẫn lãnh tiền trước. Tôi không có nhiệm vụ gì trong việc tổ chức chuyến đi Tôi được chỉ định và giới thiệu trước để  dẫn chú bé khoảng mười bốn tuổi cùng đến taxi cho đúng hẹn. Chúng tôi đến nơi lúc xế chiều. Trên đường đi chúng tôi bị bọn làm tiền đứng chực ở bến xe An Đông nhìn mặt và đòi tiền nếu không hắn kêu công an. Tôi nhanh trí la lớn ;
- Ê mầy nói gì? Tao vượt biên hả? Mầy có dám đi đến đồn công an với tao không?
Người đi đường nhìn chòng chọc vào tên tống tiền, hắn tiêu nghiễu lẻn mất. Tôi và chú bé cùng phóng lên xích lô về bến xe Chợ Lớn đi tiếp cho đúng hẹn.

 Ngủ một đêm lấy sức tại nhà người quen với Thành, sáng hôm sau đúng kế hoạch tôi và chú bé xuống tàu đò đi đến chỗ hẹn. Tôi gặp người hướng dẫn, anh này cũng là bạn với tôi. Thay vì xuống taxi cùng đi với anh như anh Thành đã phân công, anh lại bắt tôi và em nhỏ phải đi bộ qua trạm phía trước và anh sẽ rước tại chợ huyện chừng một giờ sau. Đoạn đường ngắn, chúng tôi đi chừng nửa tiếng đã đến nơi. Chờ mãi vẫn không thấy chiếc taxi anh bạn hướng dẫn tới đón. Chiều xuống dần, tên công an nhà gần đó đến hỏi tôi rất lễ phép khác với thái độ trịch thượng của những tên công an tôi từng gặp trước đây.  
 -  Thưa chú về đâu mà cháu thấy chú có vẻ nóng lòng
Tôi đáp liền không cần suy nghĩ:
- Tôi đợi thằng em bên cù lao Quới Thiện sang rước về ăn giỗ. Đợi mãi chẳng thấy chú ấy
Tên công an có lẽ quen với nghiệp vụ bồi thêm một câu nữa.
- Anh ấy tên gì may ra cháu có cách giúp chú
Tôi đáp.
- Chú em tôi tên Huỳnh Trường Vi, tên thường gọi là Huê, ở gần nhà Bảo Sanh cô mụ Chín. Tên công an vỗ tay đánh đét và nói to như gặp điều gì lý thú:
- À cháu biết anh Huê. Anh ấy có người em tên Lợi, bạn với cháu.Mời chú vô nhà nghỉ, đừng ngại. Chú là chú của Lợi đâu phải xa lạ gì.
Tôi  “đẩy cây “ lại trúng đài. Hai nhân vật Huê, Lợi đúng là người thật, chỗ ở cũng thật. Đến địa phương nào,tôi cũng chuẩn bị vài tên người tôi quen ở khu kế đó. Vạn nhất gặp công an, hay chính quyền hạch hỏi tôi vẫn trả lời trôi chảy khiến cho họ không nghi ngờ.

    Đêm đó tôi và chú bé ngụ tại nhà người công an theo lời mời của anh ta. Nhà vắng hoe, vợ hắn về quê. Tôi tỏ ra người lịch sự, đem ký thịt và hai ổ bánh mì tôi mua hồi sáng trước khi xuống đò cho hắn để cùng ăn tối. Hắn nấu nướng thiện nghệ, chỉ trong chốc lát lại làm xong món xào nóng hổi. Sẵn đói tôi cũng ăn uống tự nhiên. Trong lúc ăn thỉnh thoảng hắn liếc nhìn tay chân tôi thấy dáng điệu quê mùa, cục mịch, hắn yên tâm nốc, hết ly nầy tới ly khác y như đang gặp bạn cố tri. Trái lại tôi chỉ nhâm nhi, lòng rối như tơ vò.
  Trằn trọc tới năm giờ sáng khi nghe có tiếng lao xao của khách, tôi vội từ giã chú công an xuống đò về tỉnh. Ai có bị ở lại vì bất cứ lý do gì trong chuyến vượt biên mới hiểu được tâm trạng tôi lúc nầy. Người ta thua keo nầy còn bày keo khác, riêng tôi lỡ chuyến đò ân nghĩa vừa rồi, cuộc đời tôi và gia đình sẽ còn tối tăm hơn nữa.
Tuy buồn thúi ruột, tôi vẫn không quên ghé thăm chị Hai chủ nhà trọ đêm hôm trước. Gặp tôi chị hết hồn, chỉ trong thoáng chốc chị đã nghe và biết mọi sự do tôi thuật lại. Tôi toan đứng dậy ra về chị hỏi
- Anh có tin bói toán không?
Tôi trả lời
-  Lúc trẻ tôi cũng thích xem bói, nhưng không hoàn toàn tin. Thầy nói tốt tôi tin, hễ nói xấu, tôi cho là ông hoặc bà thầy coi chưa tới.
- Vậy anh qua chùa với tôi, trong chùa có ông sư trẻ coi rất hay.
Tôi thú thật là chỉ còn đủ tiền để đi xe về Sài Gòn thôi. Chị sốt sắng cùng tôi đến chùa. Vị sư nhìn vào mặt tôi và nói;
- Ông vừa định đi xa nhưng không thành. Đừng lo cả nhà ông sẽ sống ở nước ngoài.
Câu chuyện giữa  vị sư và chúng tôi chỉ ngắn gọn có bấy nhiêu, hỏi thêm thầy cũng chỉ lắc đầu không nói. Về tới nhà chị Hai cho biết ông sư nhìn khí sắc con người mà biết quá khứ vị lai. Sau năm 1975 sư bị cấm coi bói cho mọi người. Sư tiết lộ gia đình anh sẽ sống ở ngoại quốc hay anh tổ chức tôi ủng hộ hết mình.
Tôi làm gì tổ chức nỗi. Gia đình tôi mấy năm nay suy sụp lắm. Chị chẳng những khuyến khích mà còn gây cho tôi niềm tin.
- Anh Hai Thành cũng đâu có gì, ban đầu mình kêu gọi bạn bè hùn mua ghe, có ghe thì tính tới mua  máy lần hồi rồi cũng được .
Nỗi thất vọng ê chề trong lòng tôi từ chiều qua, nay như được lóe sáng chút ít niềm tin. Ngồi đợi xe chạy mất hơn hai tiếng, bây giờ tôi mới có dịp hỏi thăm đến chú bé theo tôi ròng rã hai ngày qua. Nhà em ở Bình Dương, em đi vượt biên lần nầy là lần thứ ba. Tội nghiệp chú bé viết địa chỉ nhà chú giao cho tôi và ân cần mời tôi có đến Bình Dương ghé nhà cho biết. Cất địa chỉ vào túi, tôi và chú bé chia tay nhau cảm thấy lòng buồn man mác. Về Sài gòn trong sư bỡ ngỡ của mấy đứa em. Ai cũng tiếc cho chuyến đi nhưng vẫn an ủi tôi. Thua keo nầy bày keo khác.

alt

    Chiều cùng ngày vợ tôi cũng đến nhà mấy đứa em xem việc ra đi của tôi thế nào. Tôi kể lại chuyện xem bói và lời ông sư nói với tôi. Các em tôi đứa nào cũng tán thành ý kiến tổ chức chuyến đi như anh Thành đã làm. Tôi suy nghĩ và quyết định phải làm cho con cái em út có cơ hội vươn lên. Em vợ tôi giới thiệu những người bạn thân với cô. Ba bốn người nghe tôi trình bày có vài người đồng ý và đóng vàng hay tiền, mỗi người một cây vàng (Lượng) Có tiền tôi xuống Bến Tre tìm Hai Thảo, thổ địa vùng này. Tôi nhờ Thảo tìm mua ghe,liên lạc với các taxi. Tôi ngủ lại nhà Thảo, nói chuyện ra đi. Thảo cũng muốn đi nhưng còn tiếc vài ba công vườn đến kỳ thu hoạch .
    Sau khi ăn sáng Thảo dẫn tôi đi coi chiếc ghe của người trong xóm. Tôi đồng ý mua và đặt cọc một số tiền theo đòi hỏi của chủ ghe, hẹn tuần sau xuống lấy. Lòng vui như mở hội.
Tôi đã chuẩn bị đủ tiền mua ghe như giao kết. Vừa tới nhà, Thảo vội kéo tôi ra quán uống cà phê và cho biết chủ ghe biết tôi mua ghe vượt biên nên đổi ý không bán nữa. Tôi hỏi tiền cọc Thảo khuyên tôi nên bỏ đi, vì đến lấy lại tiền e họ kiếm cớ bắt tôi.
Tôi thấy có gì khuất lấp, nhưng trầm tĩnh hỏi Thảo.
- Bây giờ chú khuyên tôi nên làm sao?
- Anh về nhà tôi chúng ta tính.
    Thảo tha thiết muốn hợp tác với tôi, anh ta có ghe lớn, loại ghe đi sông giờ chỉ cần sửa mũi cao lên, sửa phòng lái là sử dụng được. Tiền công tu bổ không bao nhiêu, mỗi bên được chở người trong gia đình không tính tiền. Ghe cộ, máy móc, xăng dầu, tất cả phí tổn chia hai. Lo tìm khách, tiền bạc tự tôi quyết định. Thảo có nhiệm vụ sửa ghe, hằng tuần gặp nhau để biết tiến triển ra sao. Nghe xong tôi mới biết tại sao Thảo nại cớ chủ chiếc ghe hứa bán cho tôi đổi ý. Thì ra Thảo một mình không thể tổ chức nỗi phải dựa vào sự hợp tác của tôi. Tôi mừng quá,vậy là mình đã vượt qua giai đoạn khó khăn .
Tuy vui nhưng cũng dè dặt nói: điều kiện chú đưa ra tốt cho cả hai bên, nhưng tôi vẫn ngại không biết chú có cho tôi leo cây lần nữa không? Thảo thề không bao giờ phản bội tôi. Chúng tôi vui vẻ hợp tác hy vọng đưa được gia đình con cái đến bờ bến tự do.
Đúng như chị Hai đã nói với tôi hôm nào: có ghe, lần hồi có máy. Sau hai tuần ghe sửa xong, chúng tôi mua máy chạy thử. Tất cả ghe, máy sau khi tân trang đều ở tình trạng tốt, sẵn sàng ra khơi. Số khách  không đông như dự tính. Tiền thu được vừa đủ trang trải. Kiểm điểm lại Thuyền trưởng chưa có, Thảo tự tin anh có thể lái nỗi, miễn có người  chỉ hướng, phụ lái có Hoành em áp út của tôi. Tôi không đồng ý đề nghị của Thảo. May mắn  có người khách giới thiệu môt đại úy Hải quân từng lái tàu biển. Gặp tôi ông thuyền trưởng khoe đã có nhiều người lái xe Huê Kỳ đến đón, nhưng ông từ chối. Tôi nhận ông ta với lòng hân hoan, tự nhủ: Đây phải chăng là cái phước của mình.

    Khâu taxi dường như có nhiều  khuyết điểm, chuyến đi của anh Thành, một số người bị sót lại. Tôi và Thảo kiểm lại quả có một số taxi quá nhát, sợ bị bắt rồi bỏ rơi khách.  Ê kíp taxi chúng tôi lựa gồm toàn những người có trách nhiệm và uy tín. Thật vậy sau chuyến đi của tôi một số taxi đã rành đường đi nước bước nên tự tổ chức đưa gia đình mình đi như vợ chồng anh Tư Bình. hiện ở Nam Cali; gia đình Năm L.định cư ở Úc…Kỹ lưỡng hơn, chúng tôi dùng ghe máy chở mỗi taxi dến chỗ họ phải chồ đợi khi rước khách xong, những tín hiệu nhận diện khi cá lớn tới. Theo kế hoạch đó ghe lớn vừa chạy vừa rước khách khỏi phải ngừng lại phút nào.
    Về việc mua, trữ dầu, đưa dầu lên ghe lớn, nước, thực phẩm cũng được tính toán và thực hiện chu đáo.
    Sắp đến ngày khởi hành cô em vợ hỏi tôi đã xem khí tượng chưa, nếu cần cô sẽ nhờ người xem giúp. Lúc bấy giờ là hăm ba, hăm bốn tháng chạp âm lịch thì có bão tố gì mà lo. Tôi lờ đi.
    Các trạm kiểm soát  trên sông nơi cá lớn sẽ vượt qua tôi đều biết rõ từng vị trí. Trước khi tới trạm bên phải,mình ép ghe qua trái, nổ máy nhỏ lại. Qua trạm bên trái thì cho ghe qua phải. Cứ thế mà đi. Nên nhớ dòng sông rất rộng, gần cửa biển chiều rộng hơn cây số. Sở dĩ tôi biết rõ vị trí của các trạm kiểm soát vì trước khi ra khơi chừng nửa tháng, chúng tôi mua một ghe nhỏ loại rẻ tiền, sắm câu lưới cho chú em út. Chú ấy chỉ việc thả xuồng xuôi theo nước hết bên nầy đến bên kia ghi nhận vị trí các trạm và thói quen của họ.

   

alt

   
     Sắp xếp cho chuyến đi dưới mắt chúng tôi xem như hoàn chỉnh, giờ chỉ còn ra khơi. Số khách tham đự còn quá ít. Trừ tất cả chi phí mỗi người chúng tôi còn chừng ba chỉ vàng. Vậy cũng tốt, mục đích của chúng tôi đâu phải tổ chức để kiếm tiền. Chúng tôi cũng cho quí khách biết: đây là chuyến đi chui, không mua bãi bến gì cả, chẳng may bị bắt mỗi người tư lo lấy.Tất cả đều đồng ý.
    Trước đêm khách đến nhà trọ để hôm sau taxi đến đón, nửa khuya tôi kêu cô bồ của Hoành và cô bạn hỏi xem có muốn vượt biên theo Hoành không?Hai em từ Cà Mau lên tiễn Hoành. Hằng (người yêu của Hoành) đồng ý đi, cô bạn tên Út Nhì ở lại.
Bảy giờ của ngày khởi hành, các taxi bắt đầu chở khách đến điểm hẹn. Cá lớn bốc tất cả khách không sót người nào. Giai đoạn khó khăn nhứt coi như thành công mỹ mãn. Quí bà mừng quá luôn miệng tíu tít, phải năn nỉ đôi ba lượt họ mới hạ volume. Ghe lớn  cứ giữa dòng sông mở ga lớn phon phon chạy. Ba tiếng sau ghe ra tới biển  Trong số các bà khách có người hỏi;
- Tới biển chưa?
Người khác đáp.
- Vừa mới tới.
- Tới biển sao chưa thấy sóng?

    Đi biển kỵ nhất là nói gở. Bà nầy chắc đọc sách hoặc tiểu thuyết nhiều nên cứ tưởng, thấy biển tất thấy sóng. Thình lình ghe chết máy. Hoành phóng xuống gở những mảnh lưới vướng vào chân vịt. Năm phút sau máy nổ đều đặn. Bây giờ là nhiệm vụ của thuyền trưởng, anh vừa định hướng vừa lái vừa gọi mấy thanh niên khỏe đến phòng lái dạy cho họ lái tàu cho đúng hướng bằng cách căn cứ vào mặt trăng, mặt trời hoặc sao sáng.
    Thảo và tôi vừa hút thuốc, vừa theo dõi rất hài lòng, Thuyền trưởng ít ra cũng thế chứ!
    Chạy vài tiếng bình minh bắt đầu ló dạng, mặt trời to, vàng ánh tưởng chừng như từ dưới biển vừa trồi lên, biển lăn tăn sóng. Mọi người dù buồn ngủ cũng ngẩng đầu lên nhìn cảnh đẹp. Thình lình mặt trời bị mây đen che khuất, gió mỗi lúc mỗi mạnh. Sóng từ xa xa hối hả kéo tới. Ban đầu lượn nhỏ, sau to cao cỡ năm bảy thước ập vào ghe. Chiếc ghe có khi tưởng chừng chui sâu dưới đáy biển vụt trồi lên cao rớt mạnh xuống.
    Tiếng gió hú cộng thêm sóng bạc đầu như những quái thú muốn nhai nát, nuốt chửng mấy chục mạng người trên thuyền.
    Tiếng hú...ầm, hú...ầm liên tục chẳng khác trận mưa pháo ở chiến trường. Những tiếng gào thét thất thanh: Trời ơi, Phật ơi, Chúa ơi vang dội hòa lẫn tiếng la khóc của mọi người khiến ta tưởng chừng ngày tận thế đang xảy ra trên chiếc ghe nhỏ bé này.
    Mấy bà mấy cô khóc lóc, lạy như tế sao: Bác Hai ơi chết, Bác Hai ơi chết trở vô, trở vô.

alt

    Sóng nước gây cho mọi người hoảng loạn, thêm vào đó là hai nhân vật trên thuyền góp phần làm cho mọi người thêm kinh khiếp. Người thứ nhứt: ông thuyền trưởng, sau ba lượn sóng ông thất thanh gọi Hai Thảo vào phòng  và giao tay lái cho Thảo, ông nhào đến bên bà vợ khóc lớn: phen nầy chắc chết em ơi !!Từ đó về sau hai ông bà ôm chặt không buông ra.
      Người kế tiếp là chú Út, thợ máy, chú to con, siêng năng, miệng rộng, chính chú la lên: ghe sắp chìm anh Hai ơi. Tiếng la thất thanh đó làm mọi người thêm tuyệt vọng.
Giông bão mỗi phút mỗi tăng cường độ. Thảo gọi tôi đến phòng lái và hỏi tôi cách ứng phó. Rất may trong giờ phút nguy hiểm nầy, tôi còn sáng suốt.

    Thảo, Đổi hướng, xuôi theo gió mà đi.
   Cầm cự vài tiếng nữa sóng giảm dần. Bấy giờ tôi mới tìm thăm gia đình. Con gái lớn và út co ro như mèo ướt bên mẹ chúng; bốn đứa trai phải tìm một lúc mới gặp. Bị sóng gió mấy tiếng đồng hồ mà tụi con vẫn tỉnh bơ không hốt hoảng như mọi người. Đi suốt từ trước mũi đến sau lái, tiếng nhao nhao của các bà các cô vang lên làm tôi bối rối. Mọi người đều năn nỉ tôi trở về. Tôi nhớ cô Dung, người Bắc, vừa khóc vừa lạy tôi đòi về. Quan  sát môt chút tôi nhận thấy xăng, dầu, nước uống, lương thực đem theo đều bị mấy ông ngồi phía sau tuôn hết xuống biển, dù tôi muốn đi tiếp cũng không làm sao được. Tôi đến bế con gái út hôn từ giã nó. Tôi linh cảm nếu quay vô, tôi sẽ bị bắt khó có ngày ra. Nhìn mọi người an toàn sau trận bão dữ, tôi bảo Thảo quay vô bờ. Sóng đã yên, gió lặng, tôi ngán ngẩm than thầm: vượt biên khó lắm thay.!
    Trở vô, nước xuôi ghe chạy lẹ, chừng tiếng rưỡi đã thấy đất liền. Hai đứa cháu hai Thảo yêu cầu ghé bờ Bến Tre cho hai em.  Ông thuyên trưởng cùng một số khách quê Sài Gòn cũng lên theo. Ghe chạy tiếp khoảng  hơn nửa giờ, tôi thây doi đất thuộc làng Long  Đức, nên ghé lại cho vợ, con tôi các em và số người còn lại lên bờ rồi theo đường bộ về nhà.
 Dưới ghe còn lại gia đình Hai Thảo, anh Xuân, người khách gắn bó với chúng tôi ngay buổi đầu, cương quyết”các anh đâu thì tôi đó. Ngoài Xuân còn anh em tôi và chú Út thợ máy. Về tới nhà nhạc phụ Thảo hơn tám giờ tối, ông bà cụ đãi cháo gà. Nghỉ  ngơi tới  mười giờ sáng hôm sau chúng tôi xuống ghe về Sài Gòn. Tụi tôi ai nấy mặt mày dính nhớt lem luốt, mặc dù đã tắm rửa, kỳ cọ mãi vẫn không hết.

     Tối hôm đó tôi nhờ Út chở đến nhà một số khách để hỏi thăm tin tức. Cánh lên ở Trà vinh bị bắt toàn bộ chỉ trừ Lục Tú trốn thoát; cánh đổ bộ Bến Tre cũng bị tóm gọn. Tính ra gia đình tôi lớn nhỏ mười ba người đều nằm khám. Các con tôi bốn ngày sau được thả ra, riêng con gái lớn, gái út,vợ tôi cùng toàn thể các cô các bà.được tự do sau nửa tháng ăn cơm tù. Đàn ông, trai tráng bị đi lao động, ba tháng sau mới được thả.
    Theo lời kể của vợ tôi thì chỉ hai tên du kích  thấy đoàn người ướt như chuột lột nên hỏi: mấy anh chị đi dâu về, người trả lời đi tảo mộ, người đi đám giỗ, nhìn cách ăn mặc giống dân Thành Phố, chúng sanh nghi nên giải hết vô khám lớn Trà vinh.
    Đêm đó dù bị bắt vô khám, nhưng ai ai cũng mừng vì biết chắc mình còn sống. Các em tù vì trộm cắp, giựt dọc, móc túi lại đối xử rất tốt với những người tù vượt biên. Các em giăng mùng, chia mền cho mọi người. Nhờ lòng tốt của các em mà vợ tôi tránh khỏi tội lớn ( vợ chủ tàu có thể bị tù ít lắm cũng một năm ).
    Mỗi buổi sáng các em đến các phòng làm vệ sinh, vợ tôi bí mật nhờ các em chuyển thơ dặn  những người đi chung tàu khai không biết ai là chủ. Chính vì không tìm ra chủ và tới biển ghe chạy ít vòng rồi quay vô, nên các vị chấp pháp kết luận là những người vượt biên nầy bị gạt. Có lẽ nhờ vậy họ thả sớm chăng?

* * *

alt

     Vừa ra khỏi khám các con tạt về thăm nhà môt tí lại ngồi xe lên thăm tôi. Gặp chúng, tôi mừng  lắm, giờ chỉ còn lo cho vợ, con gái và mấy đứa em. Nếu chuyến đi thành công có lẽ tôi là người vui nhất vì đã đem được em ruột, em dâu em rễ, em vợ sang Mỹ. Trước mắt mọi người tôi đã thất bại.!!.Tôi nhớ lại bài học trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư kể lại câu chuyện một anh nông dân sau cơn bão ra đồng thấy ruộng vườn tan hoang, anh chép miệng than: Ta đã thất bại, nhưng một lát sau anh nói; Tại sao lại thất bại trong khi ta còn sức lực và còn đôi bò khỏe mạnh.
    Bài học mấy chục năm trước bỗng nhiên nhớ lại, nó như một lời khuyên, một khích lệ cho tôi vào lúc tinh thần suy sụp. Bắt chước anh nông dân kia, tôi cũng tự an ủi mình, ta còn trí óc, còn chiếc ghe thì phải tiếp tục con đường đã định. Phải thoát khỏi Việt Nam mặc dù cho đến khi lìa đời tôi vẫn trân quí, vẫn mến yêu, nơi chôn nhau cắt rún của tôi.
    Tôi dự định tìm Hai Thảo ăn sáng, bàn công việc thì Thảo đến chỗ trọ gặp tôi, việc trước tiên phải làm là mui ghe Thảo sợ có mui khi qua trạm công an để ý và hạch sách. Tôi góp ý
    - Mình làm cái khung thôi, mua ván đo đạc sẵn để dưới ghe khi đến biển mình nhờ mấy chú thanh niên đóng vào làm mui.
Thảo bàn thêm.
    - Hay mình làm hai hàng băng ngồi hai bên như tàu đò.
Tôi đồng ý với Thảo và thêm:
- Còn nữa, chú nhờ Út coi sóc cái máy, tôi chịu máy nầy quá, bị nước biển ập vào mấy phen, nó vẫn chạy tốt.
Trước khi chia tay Thảo nói.
- Kỳ nầy chắc mình khá hơn chớ không èo uột như lần trước.

    Tôi làm thinh, nếu tôi nói ra những toan tính của tôi lúc này e Thảo mất vui. Sau khi bàn luận xong, ngày kế Thảo chạy ghe xuống Long An nhờ người quen làm mui, Út cũng đi theo nhân tiện tu bổ máy móc. Trước khi đi Thảo cho biết đã có gia đình gồm hai vợ chồng và hai con  lối tám chin tuổi xin đi, đồng thời họ cũng mời Thảo về nhà họ nghỉ ngơi, cơm nước. Thật đáng mừng.! Thảo giao ghe cho thợ rồi về nhà ông bà khách mới. Tuần kế tiếp vợ và các con gái tôi được thả. Nỗi lo âu trĩu nặng trong tôi phút giây tan biến mất. Tôi để hết tâm trí cho chuyến đi sắp tới. Hân tên người khách dễ hòa nhập với mọi người, anh làm tiệc nhỏ mời Xuân, Thảo, Út và tôi, trong bàn có một người đàn ông đứng tuổi Hân giới thiêu là anh ruột của chi dâu Hân. Nhìn vẻ mặt đạo mạo của anh Hiền tôi có cảm tình ngay .Hiền cho biết anh định tham gia cuộc hành trình với chúng tôi. Ai Ai cũng hoan nghinh.
    Về nhà lại có khách: chị Bảy, má của Khoa, Khoa đi đợt đàu bị bắt và được thả vì nhỏ tuổi, có lẽ nghe Khoa kể lại chi tiết về chuyến hải hành, chị xin ghi tên năm người nữa  gồm anh chị và ba đứa con đồng thời đóng tiền ngay. Sau đó tôi mới biết chị là đồng hương.
    Chị Bảy ra về, Dung đến thăm. Nhớ cảnh Dung thất thần, mếu máo khóc hôm nào, tôi đùa:
- Dung hết run chưa?
- Bây giờ đã hết sợ, cháu được Tòa Đại sứ Pháp thông báo sẽ phỏng vấn cháu vào tháng  sau. Cháu đến để xin Bác cho cô em con người chú thế chỗ cháu. Nếu cần thêm tiền chúng cháu sẵn sàng.

    Chia tay với Dung lòng thấy vui vui. Ngày mai phải cho Thảo biết rõ về dự tính của mình: trả lại một nữa tiền cho gia đình những người đóng tiền đi lần trước chẳng may bị bắt, còn bị giam giữ. Thảo không vui nhưng cũng miễn cưỡng gật đầu. Trả lại tiền dù ít cũng gây tiếng vang tốt, khiến  lương tâm mình không bị dày vò vì đã lợi dụng tiền bạc và sự tù tội của họ để mưu tìm hạnh phúc cho riêng mình và gia đình mình. Một kỷ niệm khá lý thú mỗi lần nhắc lại tôi không nhịn cười được:
    Hôm nọ tôi mang tiền đến cư xá X. trả lại một  nửa cho vợ người đi tàu bị bắt và còn bị giam. Độ tuần sau tôi lại nhà chị để tiếp xúc với người khách mới do chị giới thiệu. Tôi thấy phía trong buồng có hai ba bà đang nhìn chầm chập vào tôi,. Khi ra cỗng tôi hỏi: sao có ba bà nhìn tôi cười khúc khích. Chị bẽn lẽn trả lời.
    Họ nói anh là chồng bé của em, vì đâu có ai vượt biên thất bại chủ còn mang tiền trả. Họa chăng  chỉ có chồng bé mới làm việc đó.
Nghe chuyện chị bạn kể tôi cũng đỏ mặt tía tai. Nhưng dù sao vẫn thấy vui vì mình làm đúng. Nếu tham lam thì việc gì sẽ xảy ra?
 Lần nầy, chúng tôi chuẩn bị kỹ, khúc sông gần cửa biển có nhiều cồn cát ngầm, không quen dễ bị mắc cạn. Công an không cần đóng chốt ở đó. Lái lạng quạng thường bị rướn cồn rồi bị bắt mà không chạy đi đâu được.Tôi đã mướn người dẫn đường gần hai cây vàng. Hải bàn cũ rơi xuống biển, cũng thay cái mới., Hai Thảo giới thiệu một anh còn trẻ, có kinh nghiệm đánh cá nhiều năm làm thuyền trưởng chẳng may con gái út bị bịnh nặng phải chữa trị ít hôm, chuyến đi tạm đình lại. Anh thuyền trưởng nóng lòng bỏ qua lái tàu cho người khác, tới Trà Vinh bị bắt.
    Anh Bảy, người khách mới, giới thiệu một Đại úy hải quân  tên Vinh từng lái giang đỉnh, anh đen đúa ít nói,  hai ngày sau Vinh lại giới thiệu người phụ lái, dân đánh cá chuyên nghiệp. Vinh cho mọi người niềm tin,vợ chồng anh và ba con cùng sống chết với chuyến đi nầy.

    Ngày khởi hành tới.
    Con tàu chậm chậm rước đầy đủ khách. Tôi có kỷ niệm vui khi đón khách. Quá bảy giờ tôi không nhìn rõ người dù họ đứng sát bên tôi. Taxi cặp vào tôi lẹ làng dắt khách qua tàu, ai chậm lụt tôi ôm và thảy qua ghe. Tới vị khách nữ khi tôi bế lên, chị la ơi ới:
  -  Không phải, không phải em mà anh Hai.
    Nhìn kỹ mới biết đó là chị taxi chứ không phải khách của mình. Quê xệ quá, nên tôi còn nhớ tới hôm nay ! Trên ghe tất cả bảy mươi mốt người, đông hơn chuyến trước nhưng mọi người lên thuyền  không cãi cọ, tất cả vào chỗ ngồi . Ghe tới chỗ cửa biển lại vướng đáy, Lựu nhảy xuống dùng liềm hái cắt mới chạy tiếp được tôi không hiểu sao chuyến đi này khách lại tử tế với nhau hết sức. Tám giờ sáng theo thói quen tôi lấy ống dòm nhìn xung quanh một lượt.  Phía sau lái dường như có con tàu đuổi theo. Tôi đưa ống dòm cho mọi người cùng xem.
    Thảo cùng các thanh niên gắn máy phụ vào. Hai máy thi nhau nổ hết ga, chừng tiếng sau, chiếc tàu đuổi  theo ngày rõ dần, ban đầu còn nhìn qua ống dòm. Lần hồi mắt thường cũng thấy. Anh Vinh thuyền trưởng cho mũi hướng phía Bắc chạy độ hai mươi phút nữa. Trên tàu ai  theo tôn giáo nào thì quay quần  theo người  có cùng tôn giáo với mình đọc kinh cầu nguyện. Tiếng kinh cầu nguyện ngày lớn dần.

 
  
     Chiếc tàu rượt đuổi, quay đầu trở vô. Nó xa dần nhỏ đi rồi khuất dạng. Mọi người trên tàu thiếu điều nhảy lên vì mừng rở. Hú vía!! Vinh, Phụng, người phụ lái, thay phiên cố lái cho mau tới hải phận quốc tế. Anh Hiền nảy giờ ngồi yên, nhưng vợ Hân cho biết anh gói sẵn độc dược, nếu bị bắt anh sẽ uống thuốc tự tử chớ nhứt định không vào bờ. Nhìn Hiền ai cũng  thán phục  ý chí sắt đá của anh.
Ghe tiếp tục hải trình trong tiếng bàn luận sôi nổi từ phía khách. Nét hân hoan hiện trên mặt  họ. Tới bốn giờ chiều lại thấy có tàu  lớn xuôi ngược. Chúng tôi biết mình đã đến hải phận quốc  tế…Gần tối,một chiếc tàu chạy  đến, chúng tôi vẩy tay, quơ khăn trắng cầu cứu, chiếc tàu tăng tốc độ phóng mất. Đêm xuống ngoài thuyền trưởng Vinh, phụ lái Phụng còn Thái, một sĩ quan  Không Quân vừa tốt nghiệp, kế đứt phim vào học lái với Vinh.
      Đêm nay trăng sáng, gió hiu hiu, thỉnh thoảng một vài lượn sóng lăn tăn. Cảnh biển đẹp, thơ mộng không bút mực nào có thể diễn tả được.
    Ngày thứ nhì, một con chim giống như chim én không biết từ lúc nào đậu trên phòng lái,chốc lát nó lại bám  trên vai Tài. Tài say sóng nguyên ngày hôm qua mới vừa tỉnh.
    Đất liền gần đây.
    Một người góp lời. Anh ta nói đúng hay sai nào ai biết, nhưng ai cũng ngầm đồng tình với điềm tốt đó.

    Ba giờ chiều, một chiếc tàu lớn xuất hiện, hành khách vẫy tay cầu cứu, thực ra tín hiệu cầu cứu chỉ là thói quen của dân vượt biên khi chạm trán với cảnh trời nước bao la.Tôi không hy vọng họ cứu vớt mình. Bất ngờ tàu chạy chậm lại, thủy thủ đều cò mặt trên boong tàu, đó là dấu hiệu cho biết họ sẵn sàng vớt mình.Tất cả chờ quyết định của tôi. Trong lúc chờ đợi, qua ống dòm tôi nhìn thấy chữ VƯƠNG THANH HẢI trên phòng lái bằng chữ Tàu. Tôi cho biết có thể là tàu của Đài Loan, Đại Hàn, Nhật Bản hoặc của Trung Cộng vì họ không treo cờ. Nghe tôi phân tích ai ai cũng đồng ý nên tiếp tục chạy đi vì sợ cảnh tránh vỏ dưa đụng phải vỏ dừa.
     Chiều xuống một hiện tượng lạ xuất hiện, cá heo nhảy lượn hai bên tàu như đoàn quân danh dự đang hộ tống con tàu. Thuyền trưởng Vinh cho biết gặp cá heo theo tàu là điềm lành. Đàn cá giỡn trăng đến sáng thì  biến mất.
 Đến ngày thứ ba, đại úy Vàng, một người bạn với anh Thành (người tổ chức chuyến đi đầu tiên và tôi bị rớt lại), phun ra một câu tiếng Anh làm ai nấy ngỡ ngàng. Đại ý nói biển yên lặng, tức nó đang chuẩn bị cuồng phong. Lời nói  gở của Vàng khiến mọi người thêm lo lắng.

    Suốt ngày nắng chang chang, không chút gió, khách như say nắng, uể oải, thêm vào đó Đạo môt đại úy cùng ngành với tôi than:
 - Không biết mình có lọt đăng không?
    Lọt đăng tức lọt qua eo biển Malacca rồi qua Ấn Độ Dương. Chỉ  một ngày hai ông quan Ba đã nói những điều không may Tôi bất bình nhưng vẫn làm thinh. Ông Đạo vượt biên mười ba lần đều thất bại, tôi cho anh đi lần này không lấy tiền vì muốn giúp anh Thành chở giùm người khách sót lại để gọi là đền chút ơn của Thành với tôi.
Chiều xuống, một hiện tượng bất thường tôi ghi nhận trong số khách Sáu Nghiệp anh vợ Thảo và Đại úy Liên mặt mày ủ rủ ra trước mũi tàu ngồi múc nước tắm hàng giờ không chịu vô. Mũi ghe cao lên mới chạy nhanh.,Thuyền trưởng nhờ người gọi vào nhưng hai ông vẫn tỉnh bơ. Sáu Nghiệp  chỉ đem có ba đứa con theo với anh, bỏ lại vợ và hai con  ở nhà. Anh buồn vì nhớ vợ, con thì cũng hữu lý.
Còn Liên ở tù ngoài Bắc mấy năm, nay gia đình vợ con hiện trên thuyền anh bất mãn  là tại sao?. Xin thêm một đôi dòng về Liên, anh con người tháo vát, thích nghi dễ dàng với hoàn cảnh mới. Anh dùng vàng”  Ông Tạ”(loại vàng không đủ tuổi) đóng tiền vượt biên. Vợ tôi nhận, đến chừng nhờ cô  em đem bán để mua dầu mới phát giác chúng tôi lâm vào cảnh “ ngậm bồ hòn” làm ngọt.

alt

    Sáng ngày thứ tư, tàu đang ngon trớn, bỗng thấy ba chiếc tàu cá đang neo, mừng quá thuyền trưởng sáp lại gần và cử người sang tiếp xúc với họ nhờ chỉ hướng đi. Thuyền trưởng Vinh, Vàng, Thái ,Kim Anh cùng lên tàu cá với hải đồ. Ông thuyền trưởng tàu cá chấm tọa độ và chỉ hướng. Phái đoàn còn xin nước, dầu. Họ cho nước, cá còn dầu không có. Được như thế cũng quí lắm rồi. Trở về ghe, bất ngờ có người nhìn thấy chữ Bangkok bên hông tàu cá, thì ra tàu Thai Lan, ai nấy hoãng hồn, miết ga chạy không dám  ngó lại phía sau
    Chạy độ bốn giờ, nhìn biển thấy có” rọ”bắt cua tôm.Sóng mạnh dần, Phụng đúng là dân chuyên nghiệp đánh cá, anh chẻ sóng đưa tàu tiến tới nhẹ nhàng. Đất liền đây rồi, Vinh sau khi thấy đảo không dám cặp thuyền vào, nhờ tôi xác định lại tọa độ đo đạc xong tôi cho biết không phải là Côn Đảo hay Phú Quốc. Nhìn lên đảo thấy một số người đứng vẫy tay chào mừng, một chiếc ghe máy chạy ra hướng dẫn ghe chúng tôi vào. Tôi qua ghe nhỏ lên gặp vị đại diện sở tại. Ông là xã trưởng và xin một chỉ vàng.
Chúng tôi vừa lên đảo xong  bão lại tới. Sóng cao và mạnh không thua lần trước. Đúng có Trời Phật độ, nếu chậm trễ chừng môt giờ việc gì sẽ đến. Tôi không dám nghĩ tiếp.. Trên ghe còn độ một tạ củ sắn dành khi cần ăn đỡ khát, tôi cho tất cả cho dân Indo trên bờ. Kim Anh còn cất chai rượu mạnh phòng bịnh hoạn giờ trao cho tôi. Tôi hớp một chút rồi chuyền cho Vinh  cùng các bạn khác nhâm nhi gọi là mừng chiến thắng.

    Đây là đảo Pulau Lot, bốn ngày đêm  thức trắng, tối nay tôi ngủ vùi. Sáng dậy thấy mất  bị quần áo tôi dùng kê đầu nằm ngủ, trong đó có hai chỉ vàng vợ tôi may theo lai quần. Đó là vốn liếng của gia đình tôi. Tôi trở thành vô sản dù mang tiếng chủ tàu, tôi sống nhờ vào cơm gạo của Cao Ủy, vậy mà ai cũng tưởng tôi giả bộ nghèo khó. Ở Pulau  Lot chừng mười hôm, dân Indo hiền và tốt, hằng ngày chúng tôi vào xóm họ cho uống nước dừa thoải mái. Chánh quyền tổ chức đưa chúng tôi xuống Huyện. tại Huyện sự đi lại bị giới hạn. Không lâu có chiếc tàu của Cao Ủy đón chúng tôi đến KuKu. Mấy hôm sau lại có tàu lớn đưa chúng tôi tới Galang. Hải trình tìm tư do của tôi và gia đình vô cùng gian nan, nguy hiểm, có lúc tưởng chừng buông xuôi. Sau cùng cũng đạt được mục đích. Tôi không cho là mình hay, mình giỏi. Trong sông mình còn có thể đấu trí để dành phần hơn phần thắng. Ra tới biển, con tàu của mình chỉ một vài lượn sóng cũng đủ tả tơi rồi, còn gì mà khoe hay khoe giỏi. Nguyện vọng của chúng tôi đã viên mãn.


 Viết xong 23  September  2011

Nguyễn Thành Sơn

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.