TKH - banner 01

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Truyện TIẾNG DƯƠNG CẦM – Chương 2
 
Tóm lược truyện dài  TIẾNG DƯƠNG CẦM
 
Lệ Hằng, cô bé có thiên tài về âm nhạc, mồ cô mẹ từ năm mới mười bốn tuổi.  Từ đó cô sống với bà ngoại, cho tới khi bà mất, cô lên Đà Lạt ở với cha.  Sau khi vợ qua đời, ông Thanh, cha nàng đã tái giá với một người đàn bà goá trẻ đẹp.  Bà Lý tên người vợ sau, có hai đứa con riêng là Bách và Dung.
Trong cuộc sống chung, Hằng nhận thấy ba mẹ con bà dì ghẻ có những hành tung bí mật, cô dần dần khám phá ra quá khứ của bà dì ghẻ khi xưa đã phạm tội sát nhân, bà giết chết tình nhân của chồng vì ghen.  Để lẩn tránh pháp luật, bà đem các con đi trốn, và để sống còn, bà kết hôn với những người đàn ông giàu có, và giết họ khi tông tích bị bại lộ.
Lần này cũng vậy, khi biết đứa con riêng của chồng đã khám phá ra tội ác của mình, bà lập mưu giết chết cả hai cha con, để hưởng gia tài và diệt nhân chứng.  Trớ trêu làm sao Bách, con trai của bà lại thầm yêu Hằng, nhưng không được Hằng yêu lại.  Trong thời gian này, Hằng quen với một người bạn trai tên Đạt, tiếng đàn của cô đã mê hoặc anh chàng trẻ tuổi này, và vì muốn cưú cô, nên Đạt cũng suýt bị thiêu sống cùng với Hằng, trong một âm mưu rùng rợn do người dì ghẻ dàn cảnh cái chết thành một tai nạn.
Còn Bách, mặc dù đang căm hận vì yêu mà không đuợc Hằng đáp lại, nhưng trước hành động tàn ác của mẹ, Bách đã phản ứng ra sao? xin mời xem hồi kết cuộc. 
 
 
CHƯƠNG  2
 
Tôi mở choàng mắt khi một luồng gió lạnh từ cửa sổ đang mở thổi vào, tôi rùng mình, đưa tay lên coi đồng hồ, đã gần 8 giờ tối, có lẽ tôi vừa chợp mắt đến hơn một giờ.  Những bắp thịt của tôi tê cứng vì nằm lâu quá một chỗ không cử động, tấm ảnh của mẹ tôi vẫn còn cầm trên tay, tiếng nói của bà trong giấc mơ như còn vang lên bên tai:
-    Bố con và con đang gặp nguy hiểm.
Ðó chỉ là một giấc mơ, tôi nhủ thầm và liếc nhìn bức ảnh, mẹ tôi vẫn mỉm cười như đồng ý, bà như muốn nói:
-    Hừm! cả hai mẹ con mình đều ngu ngốc để phí hết thì giờ… Nhưng lần tới, khi báo mộng cho con, mẹ sẽ nói rõ hơn.
Vùng dậy khỏi giường, tôi cẩn thận đặt cái khung ảnh mẹ lên mặt bàn, rồi lấy quần áo đi vào phòng tắm.  Tôi nhìn vào tấm gương lớn, trong gương phản chiếu một khuôn mặt tươi tỉnh vì được ngủ đẫy giấc.  Tôi tắm thật nhanh, lau khô mình mẩy và bắt đầu trang điểm cẩn thận, một lớp phấn mỏng, một chút son hồng, tôi chải mascara lên lông mi để làm cho nó thêm dài và cong.  Tôi tự nói với mình, tôi muốn làm đẹp để cha tôi hãnh diện, nhưng thật ra trong thâm tâm tôi nghĩ nhất định mình không thể nào là một cái bóng mờ bên cạnh bà ta.  Ði trở về phòng, tôi mặc vào một bộ quần áo đẹp nhất, một cái áo thêu màu hồng nhạt bằng sa tanh loại đắt tiền, và một cái quần thun bó chẽn màu đỏ.  Ngắm lại trong gương một lần chót, tôi hài lòng với vẻ đẹp tươi trẻ, lộng lẫy của mình, rồi khoan thai bước xuống thang. Tôi nhìn thấy cha tôi, dì Lý và Bách đang ngồi cả nơi phòng khách, uống một thứ nước gì màu vàng đựng trong những cái ly cao cổ.  Cha tôi ngước lên, ông mĩm cười khi thấy tôi hiện ra ở chân cầu thang:
-     Này Lý!  Ông nói lớn, anh nói có sai đâu?  Hằng nó đúng hẹn như một cái đồng hồ.
-    In hệt!  Bà ta mỉm cười, không sớm cũng không trễ.  Dì dang bàn có lẽ phải lên lầu đánh thức con dậy, nhưng bố gạt đi, bảo cứ để con xuống một mình, không cần phải đánh thức, quả thật ông có lý.
-    Chả bù cho con Dung!  Bách xen vào, nó phải học cái tính đúng hẹn của Hằng mới được.
-    Ðúng, cái con bé ấy đi đâu là quên trời quên đất, chẳng bao giờ nhớ tới giờ về.  Dì Lý ngập ngừng, như vậy phải đợi cơm nó một lát, trong lúc chờ đợi, con có muốn uống một chút gì? một ly rượu có pha nước trái cây chẳng hạn?
-    Không, cám ơn dì.
Tôi nói, ngạc nhiên về sự đề nghị, cha mẹ tôi xưa kia không bao giờ có thói quen uống cocktail trước bữa ăn. Thì ra mọi chuyện đều thay đổi, tôi thầm nghĩ.
-    Vậy một ly nước cam nhé?
Dì Lý nói tới đây thì có tiếng động nơi cửa trước, tiếng cửa mở ra rồi đóng xập lại thật mạnh.
-    Nó kia rồi!  Bách nói, mẹ quẳng gánh lo đi, con lang thang đã về kia rồi.
Cô bé sau khi cài cửa, đang bước nhanh vào phòng.  Dì Lý cao giọng hỏi:
-    Dung! sao giờ này con mới về? con có biết bây giờ là mấy giờ rồi không?
-    Đã sao đâu? trễ có một tị, tại con quên coi đồng hồ.
Cô bé nói một cách tỉnh bơ, không thèm nhìn mẹ. Tôi đưa mắt nhìn đứa con gái đang đứng nơi ngưỡng cửa, trông nó không có gì đặc sắc cả.  Một ngày kia, khi dậy thì có thể nó sẽ đẹp, nhưng bây giờ nó không có lấy một phần nhan sắc của bà mẹ, với mái tóc cột lủng lẳng thành cái đuôi ngựa ở phía sau, đôi mắt màu nâu to tròn, nhưng mũi hơi dài và cái miệng quá rộng, ngực còn dẹp lép, trông nó có vẻ ngây ngô của một cô bé mới lớn, nó gợi đến hình ảnh của tôi năm nào mẹ tôi mới mất. Tôi thở dài, cái quá khứ ấy đã trôi vào dĩ vãng.
-    Con có đồng hồ mà.  Dì Lý nói, sao con không đeo?
-    Con để quên trong phòng ngủ sáng hôm nay.  Dung quay sang tôi, chị là con của dượng Thanh phải không? chị Hằng?
-    Ừ, chị là Hằng.  Rất vui được biết Dung!
-    Con đi những đâu cả buổi chiều nay?  Mẹ nó vẫn dai dẳng chưa chịu buông tha.
-   Con đi dạo… Ở nhà buồn quá, sống ở đây giống như sống trong một cái hộp, không có chợ búa, không có xi-nê, không có giải trí, không có gì cả…
-         Thôi đủ rồi, mẹ không muốn nghe con hễ mở miệng ra là cằn nhằn, than buồn, than chán… Đi thay quần áo rồi xuống ăn cơm, con phải nhớ hôm nay là buổi chiều đầu tiên của Hằng ở đây, đừng bắt cả nhà phải đợi.  Nếu con muốn, con có thể bỏ bữa ăn chiều nay.
Dung nhìn mẹ với một vẻ khó chịu ra mặt, nó lẩm bẩm trong miệng câu gì không rõ.  Bách nhìn em an ủi:
-    Em phải biết mẹ lo suốt cả buổi chiều, cứ sợ xảy ra chuyện gì.
-    Em đã lớn rồi, em đâu còn con nít mà sợ lạc đường?
-    Dung! lên thay quần áo rồi xuống ăn, đứng đó mà cãi mãi. Dì Lý sẵng giọng cảnh cáo.
-    Con nghe rồi, mẹ! năm phút nữa con sẽ xuống ngay!
Dung quay lưng và phóng như bay lên cầu thang.  Không khí có vẻ nặng nề, sau cùng dì Lý lên tiếng trước:
-    Chắc mọi người đói bụng rồi phải không?  Anh Thanh và cả Hằng nữa, dì xin lỗi về thái độ của con Dung vừa rồi, nó đang ở vào cái tuổi dở dở ương ương của đám con nít mới lớn, tính tình ngang bướng không ai chịu nổi.
-    Ðứa trẻ con nào vào tuổi nó cũng như vậy cả.  Cha tôi nói, khi con Hằng mười ba tuổi, nó cho rằng cả thế giới đều chống đối nó, nó không hợp với tất cả mọi người, nhất là cha mẹ.  Nhưng chỉ vài năm sau, nó trở thành dễ thương hơn bao giờ hết.
Ông đứng dậy vỗ nhẹ vào lưng vợ:
-    Nào, thức ăn sẵn sàng chưa? mình dọn bàn ra là vừa.
Tất cả mọi người đều đứng dậy, rời phòng khách và bước qua phòng ăn.  Phòng này cũng như tất cả các phòng khác, đều có cửa sổ trổ ra ngoài vườn lúc này đang tối om.  Một cái tủ kiểu xưa đựng bát đĩa chiếm hết một góc phòng, trên trần treo lủng lẳng một cái đèn chandelier mạ kền bóng loáng, một bộ bàn ăn hình bầu dục bằng gỗ màu nâu đậm, có sáu cái ghế có tựa lưng, chân  và thành ghế chạm trỏ rất mỹ thuật.
-    Anh bật đèn lên hộ em được không?  Dì Lý hỏi, còn Bách giúp mẹ một tay mang đồ ăn lên.
Tôi chạy đến toan phụ giúp, nhưng dì ngăn lại:
-    Không, Hằng, đừng làm! bắt đầu ngày mai Hằng có thể chia xẻ công việc với mọi người trong nhà.  Nhưng hôm nay, con không phải làm gì cả, dì muốn Hằng là người khách danh dự của gia đình trong buổi đầu làm quen.
Vì dì nói thế, nên tôi kéo ghế ngồi trong lúc cha tôi bật đèn lên, chùm đèn có nhiều bóng điện nhỏ hình như ngọn nến, ánh đèn màu vàng tăng thêm ấm cúng cho bữa ăn.  Dì Lý và Bách đi tới đi lui mang ra những món ăn nóng hổi vừa lấy ra từ bếp: thỏ hầm ruợu vang, tôm hùm sốt mayonaise, càng cua chiên bơ, sà lát và súp.  Ngoài bánh mì cắt khoanh, còn một thố cơm nóng hổi, đang bốc hơi nghi ngút.
Rõ là một bữa ăn thịnh soạn, nhưng để sửa soạn chắc là cũng mất khá nhiều thì giờ.  Cha tôi hỏi:
-    Anh không hiểu sao em không chịu thuê một người làm?
-     Ðâu phải như ngày xưa? người làm bây giờ khó mướn, lại đắt kinh khủng.  Dì Lý nói và đặt cái đĩa sà lát xuống bàn.
-    Nhưng mình có tiền mà?  Cha tôi nhìn dì âu yếm, lợi tức của anh đủ cho gia đình một đời sống thoải mái hơn, và em khỏi phải mệt.
-    Nhưng anh đã tốn quá nhiều với mẹ con em rồi.  Anh đã mua máy giặt, máy sấy, máy rửa bát và anh hứa sẽ xây cho con Dung một cái hồ bơi...
-    Nhưng anh muốn em có một người giúp việc.  Cha tôi lập lại một cách bướng bỉnh, em biết chẳng có là bao so với lợi tức anh đang kiếm được hiện giờ, nhất là tác quyền mấy cuốn sách viết bằng tiếng Anh, họ trả tới cả trăm ngàn đô la.
-    Em thích có một cuộc sống kín đáo, em không thể chịu được khi có một người lạ ở trong nhà, ra ngoài rồi họ bàn ra tán vào nói xấu chủ, không chịu được.  Bây giờ mỗi ngày thứ tư, em có thuê người đến làm giờ để dọn dẹp, một cô gái người Thổ lai.
-    Thổ lai?  Cha tôi hỏi, anh chưa từng nghe danh từ đó bao giờ, Thổ lai là người gì vậy?
-    Là con cháu của những người Chàm ở Nha Trang tới đây lập nghiệp.  Tổ tiên họ ở bên Chiêm Thành, khi mất nước thì tản mạn về những tỉnh ở miền Trung, nhất là vùng Tháp Chàm ở Nha Trang.  Họ di cư lần xuống phía Nam, kết hợp với các sắc dân người thiểu số Mường, Mán, Mèo thành một sắc tộc lai chủng.  Họ có một phong tục văn hóa khác biệt, họ theo thần giáo.
-     Là tôn giáo nào?
-    Họ tin thần quyền, họ thờ ma xó, một thứ tôn giáo tà phái hồi thế kỷ 19 rất thịnh hành trong đám người sống ở mạn ngược và cả một số ít người miền xuôi.
-    May quá, bây giờ không còn thịnh hành nữa.
Tới đây, bỗng có tiếng chân đang chạy vội xuống thang lầu, Dung xuất hiện, đầu tóc còn ướt nước.  Dì  Lý ngẩng đầu lên:
-    A, sau cùng thì con đã chọn xuống đây ăn cơm với mọi người?
-    Con có nói con bỏ cơm hồi nào?
Dung nói xong rồi không cần phép tắc, nó ngồi xà xuống cái ghế bên cạnh Bách chăm chú quan sát các món ăn, rồi bĩu môi: 
-   Lại thịt nấu rượu vang, chán phèo!  Mẹ luôn luôn chỉ làm có một món, sao không bao giờ cho con ăn bún mắm hoặc chả cá?
-    Thỏ nấu ruợu vang là món chính trong những ngày quan trọng, hôm nay nhà mình đón một người khách danh dự là Lệ Hằng.
-    Thật tuyệt!  Tôi nói, con rất thích thực đơn hôm nay, nhất là món tôm hùm.
-    Nếu vậy con ăn cho nhiều bữa nay đi, con sẽ có rất ít dịp được ăn tôm hùm vì ở đây hiếm lắm.  Chỉ ở Vũng Tàu hay Nha Trang mới rẻ, bữa ăn của thiếu sinh quân ở Vũng Tàu họ cho ăn cả tôm hùm.  Dì đã ở Vũng Tàu một thời gian.
Cha tôi quay sang bà ngạc nhiên:
-    Sao không bao giờ anh nghe em kể?
-    Chúng ta mới làm bạn với nhau chưa được bao lâu, còn khối điều em chưa có dịp kể cho anh nghe.
-    Mẹ và tụi con đã sống ở nhiều thành phố lớn.  Dung nói một cách khoe khoang, Sài Gòn, Huế, Nha Trang, cam Ranh, Vũng Tàu.. Chỉ những trường hợp liên quan đến những nơi đó mẹ mới kể, nhưng con thì không bao giờ con quên được thành phố Vĩnh Long, bởi vì khi căn nhà phát hỏa, cả ba người suýt chết cố tìm cách thoát ra, rồi thì…
-    Ðủ rồi, đừng nói tào lao nữa.  Dì Lý ngắt lời, sao con chỉ thích nói leo, còn ăn thì ít vậy? nguội hết rồi.  Mọi người đã ăn gần xong bữa mà bát của con còn y nguyên.
-    Sao mẹ chỉ thích la?  Con đã cố gắng hòa mình với mọi người, với câu chuyện… Dung nói bằng một dáng diệu tự ái bị thương tổn.
-   Mẹ hoan nghênh lắm, dì Lý nói.  Tôi giật mình vì giọng nói đột nhiên trở nên sắc lạnh của bà, nhưng mẹ sẽ hoan nghênh con hơn nếu con tập trung vào việc ăn thay vì nói chuyện nhảm, bởi vì đợi con ăn xong, mẹ còn phải dọn bàn và dọn dẹp bát đĩa.
Khi Dung mở miệng toan phản đối thì dì lừ mắt:
-    Không được cãi nữa, bây giờ không phải là lúc hai mẹ con cãi nhau.
Dung muốn đối đáp lại, nhưng không hiểu nghĩ sao lại thôi, nó nhìn mẹ bằng cái nhìn hậm hực rồi yên lặng cắm cúi ăn, nó giữ thái độ lầm lì suốt buổi, không nói thêm một lời nào nữa.
Khi bữa cơm chấm dứt, chúng tôi ngồi nơi hàng hiên, hưởng một chút không khí trong lành mặc dù trời khá lạnh.  Bách đem ra một chai rượu dâu và mấy cái ly, hắn quay sang tôi, mỉm cuời:
-   Đây là món uống của mọi người sau bữa ăn cho tiêu cơm, rượu chỉ làm ấm người chứ không say.  Cô uống một chút thử xem.
Lần này tôi không từ chối, tôi ngồi tựa vào thành ghế và nhấm nháp chất nước màu đỏ sánh và ngọt, mắt nhìn lên bầu trời trắng đục những sương mù.  Tôi cảm thấy yên tâm, rồi đây mọi chuyện sẽ tốt đẹp, tôi nghĩ thầm, dì Lý không có vẻ gì là một người mẹ ghẻ ác độc như tôi đã tiên đoán.  Dung mặc dù với tính nết khó chịu, nó cũng chỉ chướng như những đứa trẻ sắp đến tuổi dậy thì, đổi tính, đổi nết.. Còn Bách, ánh đèn chỉ chiếu sáng nơi trán hắn, tất cả khuôn mặt chìm trong bóng tối, không hiểu hắn đang nghĩ gì?  Hắn có bực mình không? khi tự dưng có người lạ đến ở trong nhà, trong gia đình hắn.  Liệu hắn có dễ dàng chấp nhận một người không phải là ruột thịt của hắn, và sẵn sàng coi tôi như một người chị hoặc em gái? 
Còn tôi nữa, liệu tôi có thể coi Bách như một người anh trai?  Tôi thở ra, một ngày dài có quá nhiều biến cố, một cuộc hành trình mệt mỏi, ly rượu dâu cay nồng… tất cả làm mí mắt của tôi nặng trĩu.  Cơn gió từ ngoài vườn thổi tới mơn man trên da mặt, tiếng côn trùng kêu rỉ rả như tiếng ru ngủ.
-    Hằng! con còn thức đó không?  Cha tôi hỏi.
Tôi cố gắng che một cái ngáp:
-    Còn, nhưng con không thể cưỡng được cơn buồn ngủ lâu hơn nữa.
Tôi đứng dậy dụi mắt, chúc mọi người ngủ ngon rồi quay vào.
Khi đi ngang nhà bếp, tôi chợt có ý nghĩ rẽ vào nói với Dung vài câu, nhưng đèn nhà bếp đã tắt tối om, chỉ còn cái máy rửa chén đang làm việc.  Tôi tiếp tục leo lên thang lầu, đi về phía phòng ngủ của tôi ở cuối hành lang.  Ngang phòng Dung, tôi nghe tiếng nhạc từ máy stereo vọng ra, chán người lớn, con bé đang rút vào thế giới riêng của nó.  Tôi chợt thấy thương hại con bé, trong bữa cơm, dì Lý đã tỏ ra quá khe khắt với nó. Tôi vừa thay quần áo vừa nghĩ thầm kể cũng tội nghiệp, nó chỉ có ý khoe khoang những nơi nó đã sống qua. Tôi kéo tấm màn cửa xuống và tự hỏi tại sao họ lại hay thay đổi chỗ ở luôn như thế? và lại toàn là những thành phố đông đúc?  Nếu dì Lý nói dì chỉ thích những cảnh đồng quê như Trại Hầm này, thì thật là kỳ lạ khi dì cứ di chuyển gia đình từ nơi đô hội này sang nơi đô hội khác. 
Lặng lẽ tôi nằm xuống giường và bấm nút tắt đèn.  Nhắm mặt lại, tôi chợt cảm thấy vướng mắc một cái gì, một cái gì thật mơ hồ, thật vô nghĩa lý mà tôi không tài nào đoán nổi, vì câu chuyện bên bàn ăn chỉ có tính cách vu vơ, không quan trọng.  Nhưng khi tôi chập chờn đi vào giấc ngủ, thì câu trả lời đến với tôi thật rõ rệt làm tôi choàng ngay dậy.  A! đúng rồi, Dung nói với tôi nó không thể quên được cảnh tượng khi căn nhà nó bị phát hỏa, tôi chợt nhớ đã có lần nghe mẹ tôi kể về một vụ hỏa hoạn xảy ra tại quê ngoại của bà.
Hôm đó là sinh nhật của ông ngoại con, để ăn mừng ông thượng thọ bảy chục tuổi, ba mẹ về tận Vĩnh Long để rước ông bà lên Sài Gòn ở chơi nhà mình vài tháng.  May quá mình vừa đi khỏi thì ngay đêm đó, căn nhà của người hàng xóm bị phát hỏa do bình chứa gas bị nổ.  Về nhân mạng, chỉ có vài người bị thương nhẹ, nhưng xui xẻo nhất là gia đình người hàng xóm, chỉ có người vợ và hai đứa con may mắn ra thoát, còn người chồng chạy không kịp, bị chết thiêu trong căn nhà.  Họ là những người lạ, từ đâu dọn đến độ vài tháng.  Sau đám tang, người vợ lại âm thầm đem con đi mất biệt...
 
Lưu Phương Lan
Xem tiếp chương 3

 

Comments  

+1 #2 RE: Tiếng Dương Cầm-Chương 2Phương Lan 2016-04-19 16:46
Cám ơn anh TH đã theo dõi truyện dài TDC, mới chỉ mở đầu thôi, chưa có gì hấp dẫn đâu, anh ạ, từ đoạn giữa đến hết mới gay cấn, hihi
PL
Quote
+1 #1 Re: TD C-Chương 2Hùng Trần 2016-04-18 00:10
Cảm ơn nhà văn Phương Lan đã cho đọc chương 2 truyện TDC với những tình tiết càng lúc càng hấp dẫn.
Qua phong cách hành văn điêu luyện đã làm cho người đọc cảm thấy thích thú khi theo dõi câu chuyện.
Trân trọng.
Hùng Trần.
Quote

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC