TKH - banner 09

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Dòng Sông Dĩ Vãng - Chương 3

Tóm lược truyện dài DÒNG SÔNG DĨ VÃNG – TG : Lưu Phương Lan

4814 1 DSDVLuuPhgLan

      Chuyện tình thơ mộng của Khánh, anh chàng sinh viên y khoa con nhà giàu với Phượng, cô nữ sinh con nhà nghèo nhưng rất đẹp.  Họ gặp nhau tình cờ và yêu nhau tha thiết.  Nhưng cuộc hôn nhân đó không được gia đình Khánh chấp thuận, bởi vì Phượng có một cậu em bị tật nguyền bẩm sinh.

      Qua bao nhiêu khó khăn, họ vẫn lấy được nhau, và sống rất hạnh phúc cho tới một ngày khám phá ra Phượng bị mắc bệnh ung thư.  Sau khi qua khỏi, Phượng tiếp tục việc học và trở thành một cô giáo rất tận tâm, yêu nghề.  Nhưng chỉ được vài năm, ung thư lại tái phát.

      Mặc dù là bác sĩ và hết sức thương yêu chăm sóc và chạy chữa cho vợ, nhưng Khánh cũng không thể cứu nàng thoát khỏi tay tử thần.  Phượng qua đời sau đó.

      Phần thứ hai là cuộc đời của Khánh sau cái chết của người vợ yêu dấu

CHƯƠNG   3

       Đêm hôm đó Khánh không sao ngủ được, chàng nằm nghĩ ngợi lan man, ôn lại tất cả những việc xảy ra từ chập tối, về người thiếu nữ mới gặp nhưng đã đem lại cho chàng những xao xuyến khó tả.  Khánh ngẩn ngơ tự hỏi không hiểu sao mới gặp có một lần mà lòng đã vấn vương, chẳng lẽ mình đã thích nàng rồi chăng? đâu có nhanh đến thế, bởi vì cuộc gặp gỡ trước sau chỉ hơn một tiếng đồng hồ…

       Là một thanh niên đứng đắn, Khánh rất dè dặt trong việc giao thiệp với bạn gái.  Tuy mới hai mươi hai tuổi, nhưng Khánh không khờ khạo như những cậu trai đồng lứa.  Sinh trưởng trong một gia đình giàu có, giao thiệp rộng, lại sống trong tập đoàn sinh viên trẻ, Khánh có nhiều cơ hội tiếp xúc với những người khác phái, cũng có nhiều cô khá đẹp, nhưng sau nhiều lần gặp gỡ, Khánh vẫn thấy lòng dửng dưng.  Thế mà với cô bạn mới quen này, không hiểu sao Khánh thấy lòng rung động những cảm giác xao xuyến chưa từng có.  Cô bé này quả là có một sức thu hút lạ kỳ.  Khánh nhắm mắt, cố mường tượng lại hình dung người thiếu nữ ấy xem sao.  Nàng có một thân hình mảnh mai như phần đông các cô thiếu nữ đang lớn, nhưng khuôn mặt nàng ngoài những nét ngây thơ vì tuổi còn rất trẻ - nàng chỉ độ mười bảy, mười tám là cùng - còn có một vẻ duyên dáng mặn mà và hiền hậu hiếm có, ngay cả khi giận, Khánh cũng không tìm thấy một nét ác hiểm nào ở trên đó.  Mình có bị tiếng sét ái tình hay không? nếu không, sao hình bóng của nàng cứ lởn vởn trong tâm trí mình ngay cả trong giấc ngủ?  Khánh mong cho trời mau sáng để được gặp lại nàng. 

Mới sáng tinh mơ, chàng đã đánh thức các bạn dậy, rủ ra bãi sau ngắm biển.  Hùng nhìn bạn cười tủm tỉm:

  • “Tớ biết thừa mục đích cậu định ra đấy làm gì rồi, đâu phải để ngắm cảnh?”

Bị bạn nói trúng tim đen, Khánh ngượng quá đấm vào vai bạn một cú thật mạnh làm hắn la lên:

  • “Ui da! vừa vừa thôi, gãy cha nó mấy cái be sườn của tao rồi.”
  • “Mày học y khoa mà ngu quá, be sườn nào ở trên vai?”
  • “Thôi đi!” Đăng xen vào “ở đó rỡn hoài, nhanh lên kẻo không kịp xem mặt trời mọc.”

Đem theo ít đồ ăn sáng là mấy ổ bánh mì thịt nguội mua từ chiều hôm trước, cả bọn ra tới bãi sau khi trời còn chưa sáng hẳn, và mặt biển còn màu xám đậm.  Những con sóng bạc đầu từng lượn xô vào bờ, tung bọt trắng xoá, thiên nhiên bao la, đẹp vô cùng.  Trên nền trời xám đục, vài cụm mây trắng trôi lang thang.  Thế rồi từ nơi chân trời phía đông, vài tia sáng dấy lên nhuộm hồng những đám mây, bầu trời trở nên trong sáng.  Đột nhiên từ trong đám mây, một quầng đỏ nhô lên, rồi mặt trời xuất hiện đỏ rực như một đĩa lửa, phản chiếu xuống mặt biển làm mặt nước cũng lăn tăn ánh hồng, sóng dập dềnh đưa những tia lửa vô bờ.  Chỉ một lúc sau, cả phương đông đều nhuộm hồng, và bình minh thức dậy cùng với những tiếng chim hót, tiếng sóng vỗ, tiếng thông reo rì rào…

  • “Trời ơi! xem cảnh thiên nhiên kìa, đẹp chưa từng thấy!” Hùng xuýt xoa.
  • “Đúng vậy!” Liêm phụ hoạ “ai ra Vũng Tàu mà không ngắm cảnh mặt trời mọc trên
  • biển thật là một thiếu sót lớn.”

4814 2 DSDV Chg3LPLan

Ăn sáng xong, bọn chàng chạy bộ trên cát, tập thể dục cho dãn gân cốt.  Nắng đã lên và dân tắm biển đã bắt đầu xuất hiện.  Khánh nhìn đồng hồ, sốt ruột:

  • “Đã 9 giờ rồi à, hay đồng hồ tao đi nhanh?”

Hùng cười hóm hỉnh:

  • “Đồng hồ mày không nhanh đâu, tim mày đập nhanh thì có. Đừng lo, tao chắc bọn họ thế nào cũng tới, chỉ trễ thôi.”

Quả vậy, đã hơn chín giờ, rồi chín giờ rưỡi, Khánh bắt đầu hết kiên nhẫn thì Liêm chợt đập vai chàng, trỏ ra phía xa:

  • “Kìa! họ tới kia rồi.”

Khánh thở phào, vội vàng đứng dậy chạy ra mặt lộ, đứng nhìn.  Từ xa một chiếc xe đò đang đi tới, chiếc xe màu xanh loại chuyên chở học sinh.  Xe ngừng ngay bên lộ, và từ trên xe, một bầy nữ sinh ào xuống, ồn ào như ong vỡ tổ, tiếng cười nói, tiếng kêu réo gọi nhau ơi ới như họp chợ Tết, làm bãi biển vui nhộn hẳn lên.  Khánh nhận ra Phượng liền, trong đám nữ sinh quần áo đủ màu sặc sỡ, nàng đang bước xuống xe, dáng điệu ngơ ngác. 

Bốn chàng thanh niên vội vã đi tới.  Khánh đưa tay lên vẫy, nhận ra bạn, Phượng nở một nụ cười thật tươi và khẽ gật đầu chào.  Tim Khánh bỗng đập rộn lên và người chàng lâng lâng trong một cảm giác sung sướng lạ lùng.  Trời ơi! nàng đẹp quá, Khánh kêu thầm trong bụng, đẹp tuyệt trần, đẹp hơn tất cả mọi người… Quả vậy, ban ngày chàng mới có dịp ngắm nàng kỹ hơn, và thấy rằng nàng quả có đẹp hơn lúc ở trên sân khấu.  Hôm nay, Phượng mặc quần jean trắng, áo bỏ ngoài màu vàng nhạt điểm hoa linh lan trắng, mái tóc dài óng ả bị gió thổi tạt qua một bên, phơi cái cổ trắng nõn nà, khuôn mặt trái xoan hơi có vẻ tây phuơng, đẹp một vẻ ngây thơ, trong sáng.  Khánh tự hỏi sao hôm qua chàng chưa nhìn ra vậy kìa, một nhan sắc toàn hảo đến thế? và chàng cứ đứng đó ngẩn ngơ, trong lúc Hùng đang mở máy tán:

  • “Không ngờ lại được tái ngộ các cô ở đây, thật là một sự tình cờ hy hữu!”

Tức thì hắn bị Liêm kê ngay:

  • “Chỉ xạo! chứ không phải cậu chờ ở đây từ sáng sớm hay sao?”

Mọi người cùng cười, Hùng đáp tỉnh bơ:

  • “Tôi đợi từ kiếp trước lận! Hôm nay nếu các cô không chê, xin cho chúng tôi được theo tháp tùng hầu hạ, được chứ?”

Máu tếu của Hùng lây lan ra chung quanh, các cô trở nên bạo dạn hơn, Mai Khanh lém lỉnh lên tiếng:

  • “Thôi, khỏi hầu hạ chi cho mệt. Bọn em chỉ cần người biết bơi thôi, mà các anh có ai biết bơi không nè?”
  • “Biết là cái chắc!” Hùng đáp “bơi là nghề của chàng mà.”
  • “Nếu vậy tốt quá, hoan nghênh các anh nhập bọn. Tụi em bơi dở lắm, nhưng lại thích ra xa, chỉ sợ sóng đánh rồi không ai cứu.”
  • “Đừng lo, đã có tôi!” Hùng ưỡn ngực một cách oai vệ, rồi nổi hứng hát ông ổng “em lo gì sóng gió, em lo gì biển sâu…”

Đăng ngắt lời:

  • “Phải, đừng lo! Nếu sóng đánh thì chắc chắn hắn sẽ không chết đâu, vì hắn đâu có dám xuống nước.”

Mọi người phá lên cười.  Hùng bị quê, hắn quay sang Đăng cự nự:

  • “Trời! sao bạn nỡ hại tôi vậy? Bạn há không nhớ rằng tôi có hai mươi lăm năm kinh nghiệm về bơi lội, và mới năm ngoái đây thắng giải nhất cuộc thi bơi cẩu đó sao?”
  • “Không nhớ! Tôi chỉ nhớ năm nay cậu mới hai mươi ba tuổi thôi, đúng không nào?  Chắc là cậu biết bơi từ kiếp trước?”

Lại một trận cười nghiêng ngả, Mai Khanh nói:

  • “Quê quá anh Hùng ơi! Về chịu khó học bơi đi, chừng nào giỏi hãy trở lại.”

Hùng đỏ mặt, cười trừ.  Liêm vội vàng gỡ rối cho bạn:

  • “Hùng bơi không giỏi lắm, nhưng về môn cấp cứu thì các cô có thể tin hắn được.”

Thu Cúc bỗng đề nghị:

  • “Thôi các bạn, ở đây rỡn hoài sao? Bọn mình đi thay áo tắm đi kẻo phí thì giờ.”
  • “Phải đấy các bồ ơi, trễ rồi đó, chúng ta đi thay áo tắm đi!” Diễm Chi nói.
  • “Lẹ lên nghe các cô? chúng tôi chờ.” Liêm, Hùng, Đăng cùng nói một lượt.
  • “OK, xong ngay!”

Bọn nữ sinh nghịch ngợm lại ào ào chạy đi, tranh nhau những phòng thay áo.  Khánh nhìn cô bạn gái mới quen, khẽ hỏi:

  • “Cô cũng đi thay áo tắm chứ, cô Phượng?”

Nàng đỏ mặt, lắc đầu:

  • “Không! Phượng không tắm đâu”

Khánh hiểu nàng mắc cở nên đề nghị:

  • “Nếu thế mình đi dạo vậy. Gần đây có một khu rừng toàn phi lao, chúng ta đến đó dạo chơi, hoặc ngồi dưới bóng mát ngắm biển cũng thú lắm.”

Phượng gật đầu.  Khánh đưa nàng ra xe, dọc đường, chàng hỏi:

  • “Đêm qua cô ngủ ngon không?”

Nàng gật đầu:

  • “Còn anh?”
  • “Tôi trằn trọc suốt đêm, gần sáng mới chợp mắt, mà lại nằm mơ thấy ác mộng.”
  • “Tội quá, anh mơ thấy gì vậy?”
  • “Tôi mơ thấy mình dậy trễ và đoàn của cô nhổ trại sớm. Tôi vừa ra tới nơi thì xe đò đã chuẩn bị rời bến.  Từ xa tôi thấy cô là người cuối cùng leo lên xe, cửa xe đóng lại, thế là tôi vùng chạy theo, vừa chạy vừa gọi khan cả cổ, nhưng xe cũng không dừng lại vì chẳng ai nghe tiếng… Bất chợt tôi vấp phải cục đá và tỉnh dậy, sợ toát mồ hôi.”

Phượng bật cười:

  • “Hụt một chuyến xe thì có gì mà gọi là ác mộng?”
  • “Nhưng trên chuyến xe đó có cô… Ý nghĩ không gặp lại cô nữa làm tôi buồn hết sức, vì vậy tôi không dám ngủ tiếp, chờ cho tới sáng, tôi dậy luôn và ra đây đợi cô từ lúc mặt trời chưa lên”

Phượng mỉm cười, đôi má ửng hồng:

  • “Vậy mà hồi nãy anh Hùng nói tình cờ.”
  • “Hắn nói móc tôi đó, hắn bị tôi dựng dậy trong lúc đang ngủ say, nên còn hận.”

Phượng bật cười, sau một hồi im lặng, nàng mới nhỏ nhẹ nói:

  • “Thật ra thì Phượng cũng đoán là anh sẽ tới.”
  • “Tại sao cô lại đoán thế? ”
  • “Là vì… chẳng phải tối qua nhỏ bạn của Phượng đã nhanh nhảu đoảng, lỡ miệng nói ra cái điểm hẹn đó sao?”
  • “Nhưng tôi lại rất biết ơn cái lỡ miệng đó của bạn cô.”

Đôi bạn cùng cười vui vẻ.  Tới nơi, Khánh cho xe đậu lại bên đường và cả hai cùng bước xuống đi bộ.  Nơi đây phong cảnh thật đẹp, trời xanh thăm thẳm, biển cũng một màu xanh mênh mông, từng lượn sóng xô vào bờ, tung bọt trắng xoá.  Trên bờ, những cây dừa thân thẳng đứng, mọc thành hàng dọc theo bờ biển.  Một bãi cát vàng chạy vòng đến tận chân núi phía xa, trên bãi rải rác đây đó có nhiều gộp đá lớn.  Khánh đưa tay chỉ con lộ phía trước mặt:

4814 3 DSDV Chuong3LPLan

  • "Theo đường ven biển này đi qua Bãi Dâu, qua địa phận Bến Đá là tới Thích Ca Phật Đài. Đây là một ngôi chùa lớn được xây trên sườn núi, trên một diện tích rất rộng.   Chùa có ngọn tháp bát giác cao gần 20 mét và tượng Phật Thích Ca đang ngồi thiền, tượng lớn tới nỗi người đứng ở xa mấy trăm thước cũng có thể chiêm ngưỡng được.”  Khánh kể sơ qua về địa lý vùng này và hỏi bạn “hay là chúng ta tới đó chơi, cô có muốn không?"

Phượng lắc đầu, ngần ngại:

  • "Hôm nay e không đủ thì giờ, vì đúng 3 giờ Phượng phải trở về nơi tập họp.”
  • “Sao sớm thế? tôi cứ tưởng 5 hay 6 giờ chiều kia chứ?"
  • "Đúng ra thì vậy, nhưng giờ chót ban giám hiệu cho biết là chương trình đã thay đổi. Bọn Phượng phải lên đường ngay chiều nay để về lại Sài Gòn cho kịp trước khi trời tối."
  • "Gấp quá, thôi để dịp khác vậy." Khánh nói giọng tiếc rẻ.

Phượng cười dịu dàng:

  • “Phượng thấy đâu cần phải đi xa? phong cảnh nơi đây cũng đẹp lắm. Anh xem kìa! thiên nhiên bao la và hùng vĩ quá."

Hai người cùng phóng tầm mắt nhìn ra xa xa.  Dãy núi màu rêu đậm nổi bật trên nền trời xanh lơ.  Dưới chân núi là mặt biển phản chiếu ánh mặt trời sáng loáng như bạc.  Từng lượn sóng bạc đầu đua nhau xô vào những ghềnh đá nghe ầm ầm, làm tung bọt trắng xoá.  Khánh đưa tay chỉ:

          - "Cô có nhìn thấy lá cờ màu đen có hình cái sọ người trắng kia không?  Đó là dấu hiệu nguy hiểm, vùng này có sóng lớn nên thiên hạ không dám ra đây tắm."

          - "Phượng lại thích những nơi yên tịnh, ít người qua lại."

          - "Tôi cũng vậy, khu này vắng vẻ nhưng rất là thơ mộng."

Đôi bạn vừa đi vừa ngắm cảnh.  Bấy giờ là mùa hè, nhưng nắng không gay gắt lắm, và gió từ ngoài khơi thổi vào đem theo hơi nước mát dịu, gió làm lả ngọn những tàu lá dừa, nghiêng qua, nghiêng lại trông thật là đẹp mắt.   Cả hai cùng phồng ngực hít thật sâu làn gió biển trong lành, cảm thấy sung sướng, khoẻ khoắn hẳn lên.  Khi vui, người ta nhìn đời qua lăng kính màu, dưới mắt đôi bạn trẻ hôm ấy, cả thành phố Vũng tàu như được nhuộm toàn một màu hồng, trông rực rỡ, tươi đẹp hẳn lên.  Tiếng chim ríu rít trên cành, tiếng sóng biển ào ạt và tiếng gió rì rào… họ nghe như cả một dàn nhạc của thiên nhiên đang hoà tấu một khúc nhạc tình. 

Biển vắng bóng người, đôi bạn sóng bước bên nhau, chậm rãi đi dưới bóng mát của những cây dừa, lá xoè ra như những cái tán.  Mặt trời lên cao, nắng nghiêng nghiêng đổ bóng hàng cây thành những vệt dài song song, nắng xuyên qua khe lá, rơi lốm đốm trên mặt đất.  Khánh nhìn một cách thích thú những đốm nắng đang nhẩy múa lung linh trên tóc, trên áo bạn, buột miệng khen:

  • “Áo cô như có cả ngàn nụ hoa nắng, đẹp quá... Tôi chợt nhớ tới mấy câu thơ bất hủ của Nguyên Sa: áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc, áo nàng xanh, anh mến lá sân trường… Thế không biết áo nàng màu trắng thì ông thi sĩ nọ mến cái gì nhỉ?"
  • “A! cái đó thì phải hỏi chính ông thi sĩ, chứ Phượng làm sao biết?”
  • “Cô có nhận ra ý nghĩa của bài thơ không?  Thật ra ông thi sĩ nọ không yêu màu gì đặc biệt cả, nhưng ông yêu tất cả những gì thuộc về người yêu.”
  • “Rất là ý nhị và tình tứ.” Phượng mỉm cười “nhưng còn anh, thì anh thích màu gì? ”

Khánh nhìn bạn, dưới nắng hè, màu vàng của áo nàng như sáng lên, và khuôn mặt xinh tươi của nàng như rạng rỡ thêm, gió làm những sợi tóc dài bay quấn quýt trên cái cổ trắng ngà, Phượng đẹp như trong tranh tố nữ.  Ngắm bạn, lòng Khánh chợt rạt rào một niềm vui khó tả, chàng muốn được làm cơn gió để vuốt ve mái tóc nàng, nhưng không dám.  Khánh ngẩn ngơ một hồi, rồi sực nhớ là chưa trả lời câu hỏi của nàng, chàng thu hết can đảm thốt ra câu nói tự đáy lòng:

  • “Tôi chưa yêu màu gì cả, nhưng từ nay tôi sẽ yêu màu vàng, bởi vì cô, cô đã làm cho màu vàng trở nên đẹp quá.”

Khánh nói và nhìn bạn bằng ánh mắt đắm đuối, mặt Phượng bỗng đỏ lên vì sung sướng lẫn mắc cở, nàng cúi mặt trốn tia nhìn của chàng.  Cử chỉ e ấp của nàng sao mà dễ thương quá, Khánh chợt thấy mình hơi có vẻ bạo dạn, nên vội vã nhìn đi chỗ khác.  Sau đó cả hai củng im lặng, không biết nói gì thêm.  Nhưng cần gì nói nhiều, ngôn ngữ của con tim còn mạnh gấp mấy lần lời nói, nó thể hiện bằng ánh mắt si dại, bằng đôi má ửng hồng duyên dáng và bằng... cả sự im lặng nữa.  Hẳn là nàng cũng có cảm tình với ta, nên mới nhận lời đi chơi riêng như vầy, Khánh sung sướng nghĩ thầm.  Chàng nhìn ra biển khơi dập dềnh sóng phía trước mặt, trên cao là bầu trời xanh biếc có vài cụm mây trắng trôi lang thang, rồi nhìn theo đôi bướm vàng đang bay chập chờn trên những bông hoa dại, thấy lòng mình cũng đang nở hoa:

  • “Tôi tiếc không phải là một thi sĩ để có thể đem vào thơ tất cả những cảm nghĩ của tôi về buổi trưa hôm nay.”
  • “Thật ư? ” Phượng cười hóm hỉnh “nhưng nếu anh muốn trở thành thi sĩ thì sao anh lại chọn ngành thuốc khô khan?  Phượng thấy mấy ông bác sĩ, ông nào cũng đạo mạo nghiêm trang, ít khi cười, không biết mơ mộng và hình như trước mắt lúc nào cũng chỉ nhìn thấy có vi trùng…”

Khánh phì cười:

  • “Mọi người tưởng thế đấy chứ, bác sĩ cũng là những con người có tình cảm, cũng biết yêu, biết giận, biết rung cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên và của mỹ nhân. Nhưng có lẽ vì phải tiếp xúc với bệnh tật, chết chóc nhiều quá nên họ trở nên trầm mặc, ít nói.”

Và Khánh kể cho bạn nghe dạo này trong giới văn nghệ, thấy xuất hiện những cây bút mới nhưng được khá đông độc giả ưa chuộng như Lê Văn Lân, Trang Châu, Nguyễn Tuấn Phát v…v… đều xuất thân là những bác sĩ y khoa.

        -    "Đó là những văn sĩ nghiệp dư."  Khánh nói " viết văn chỉ là một đam mê, không phải là nghề kiếm cơm của họ."

Tới đây, bỗng một con chim biển vừa bay ngang trên  đầu họ, cất tiếng kêu oang oác.  Đôi bạn cùng ngẩng lên, chăm chú nhìn theo nó lao vút xuống nước, rồi lại vọt lên.

  • “Đố Phượng nó đang làm gì đấy?” Khánh hỏi.
  • “Nó đang bắt cá.”
  • “Ừ, đúng vậy, nhưng bắt hụt vì cá lặn mất rồi.” Khánh nhìn con chim hải âu đang bay liệng vòng vòng để rình mồi, tủm tỉm cười “phải chi bây giờ có một bà tiên hỏi tôi muốn gì? tôi sẽ ước được làm con cá ở dưới nước kia, còn cô thì biến thành con chim biển nọ.”
  • “Để làm chi vậy?” Phượng mở to mắt, ngạc nhiên.
  • “Tôi sẽ trồi đầu lên cho cô bắt.”

Nàng cười ngất:

  • “Ước gì kỳ cục!”

Đôi bạn lại tiếp tục vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ.  Vừa qua khỏi khúc quanh, một khu rừng thông xanh rì đã xuất hiện ngay phía trước mặt.  Mùi nhựa thông thơm ngát, tiếng gió thông reo tạo cho nơi đây một vẻ thanh bình.  Khánh lấy từ trong túi xách ra một chai nước nhỏ đưa cho bạn, ân cần hỏi:

  • “Phượng mỏi chân chưa? Chúng ta ngồi đây nghỉ một lúc nhé?"

Nàng gật đầu.  Họ tìm một tảng đá lớn dưới bóng mát của một cây thông già, và ngồi xuống.  Nơi đây có vẻ hoang vu, không một bóng người, chỉ có biển xanh, cát vàng và gió thông reo rì rào.  Khánh trỏ cho bạn thấy những cuộn kẽm gai ở phía xa xa, gần chân núi, và nói:

  • “Nơi đây khi xưa có lẽ là một khu quân sự, và người ta rào kẽm gai để cấm mọi người lai vãng. Đâu đâu cũng có dấu tích của cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn."

Phượng thở dài:

  • “Nước mình chẳng mấy khi được thanh bình, chiến tranh, chiến tranh hoài, buồn quá... Phượng chỉ mong chiến tranh mau chấm dứt, để mọi người được yên ổn làm ăn."

Tới đây, cả hai cùng im lặng, đưa mắt nhìn ra ngoài khơi, mặt biển xanh đậm dưới nắng trưa.  Đôi bạn ngồi tư lự một lúc lâu, thình lình Khánh vụt hỏi:

          - "Hết trung học, cô sẽ theo ngành nào?  Ý tôi muốn nói là cô có dự tính gì cho tương lai?"

  • “Ba Phượng muốn cho Phượng học luật, mai sau ra làm ngân hàng, hay công chức toà án, sống cuộc đời an nhàn. Nhưng Phượng không đồng ý, Phượng chỉ thích đi dạy học, Phượng đã ghi tên thi vô đại học sư phạm.”
  • “Cô sắp vô đại học rồi à? vậy mà tôi tưởng cô còn đang học Gia Long cơ chứ?”
  • “Phượng mới đậu tú tài kỳ vừa rồi.”
  • “Hoan hô!” Khánh kêu lên mừng rỡ “như thế là cô đã vượt qua được nút chặn cuối cùng.  Bây giờ cô chịu không học luật, ông cụ có nói gì không?”

Nàng lắc đầu:

  • “Ba Phượng là người có tư tưởng mới, nên không ép buộc con cái. Ông chỉ nói rằng nghề dạy học vất vả lắm và nghèo nữa, vì chính ông cũng là một nhà giáo, ông không muốn Phuợng tiếp tục con đường của ông.”
  • “Vậy sao cô không nghe lời cha cô?”

Nàng im lặng suy nghĩ một lúc rồi mới nói:

  • “Mỗi người một quan niệm sống, có người muốn nhàn thân, có người vì mục đích làm giầu, nhưng Phượng thì chỉ muốn làm nghề mình thích, cho dù có vất vả và nghèo chăng nữa.”
  • “Tôi cũng đồng quan điểm với cô, chỉ muốn sống với sự lựa chọn của chính mình. ”

Tới đây, Khánh chợt nhìn đồng hồ và kêu lên:

  • “Chết thật, mới đây mà đã trưa rồi, mải nói chuyện quên cả thì giờ. Cô giáo tương lai đói bụng chưa? chúng ta đi ăn nhé?”

Đôi bạn đi trở lại con đường cũ, rồi lên xe.  Khánh chọn một quán vắng nhưng thức ăn rất ngon.  Sau bữa ăn, Phượng nói:

  • “Sắp đến giờ tập họp rồi, Phượng phải về.”
  • “Để tôi đưa cô đi.”

Đưa bạn ra xe, Khánh nói giọng tiếc rẻ:

  • “Thế là sắp hết một ngày vui. Về Sài Gòn, chúng ta gặp lại nhau chứ?”

Đang vui, Phượng bỗng thoáng nhanh một nét buồn, nàng ngần ngại một lúc rồi mới nói thật nhỏ như nói với chính mình:

  • “Phượng đang nghĩ không biết có nên hay không?”
  • “Sao vậy?” Khánh hỏi mà lòng bứt rứt “cô không muốn chúng ta làm bạn ư?”
  • “Ồ không phải đâu. Nhưng…”

Nàng ngập ngừng một lúc rồi thở ra:

  • “Thôi được, nếu muốn thì anh cứ tới chơi.”

Nàng biên địa chỉ vào một mảnh giấy và trao cho bạn.  Thoạt đầu Khánh hơi ngạc nhiên, nhưng rồi chàng nghĩ nàng dè dặt như vậy cũng phải, dù sao đối với nàng, mình cũng chỉ là một chàng trai xa lạ.  Nghĩ vậy Khánh thôi thắc mắc và vui ngay lên được, chàng dìu bạn lên xe, đưa nàng đến địa điểm tập họp.  Gần tới nơi, chàng cho xe đậu lại và cả hai cùng bước xuống đi bộ.  Mới đi được một quãng ngắn, thì chợt có tiếng gọi vang lên từ phía sau làm chàng giật mình:

  • “Khánh! phải anh Khánh đó không?”

Khánh quay lại, cách chàng chỉ độ vài chục thước, một người đàn ông đang hối hả đi tới, theo sau là một cô gái trẻ.  Chàng mừng rỡ kêu lên:

  • “Ô kìa Đình! cậu ra đây hồi nào? Lại có cả cô Nga nữa…”

Họ bắt tay nhau, Khánh giới thiệu:

  • “Đây là Đình, vị hôn phu của Thư em gái tôi, và cô Nga, em của Đình. Còn đây là Phượng, ờ…à… cô Phượng là... nữ sinh Gia Long!”

Khánh lúng túng, không biết phải giới thiệu Phượng như thế nào, nàng chưa hề là bạn gái của chàng.  Đình mỉm cười kín đáo, trong khi Phượng bẽn lẽn cúi chào:

  • “Chào anh Đình và chị Nga! Anh chị ở Vũng Tàu, hay từ Sài Gòn ra đây chơi?”
  • “Chúng tôi ở xa lắm, tận miền Trung lận. Tôi đưa em tôi đi Sài Gòn tìm chỗ trọ học, xong rồi ra đây chơi vài ngày trước khi phải về miền Trung trở lại.”
  • “Vậy ra cô Nga sẽ không ở Đà Nẵng nữa, tại sao vậy?” Khánh hỏi.
  • “Em thi đậu vào trường Dược rồi. Anh Đình đưa em đến nhà chú thím em, và em sẽ ở đó để đi học cho gần.”

Nga trả lời chàng, nhưng mắt thì cứ nhìn chòng chọc vào Phượng.  Sợ nàng ngượng, Khánh vội vã tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý của cô ta bằng một câu nói đùa:

  • “Vậy ra cô cũng là một cô tú kép rồi đấy, thế mà tôi cứ ngỡ cô còn bé tí như ngày nào…”

Quả là hiệu nghiệm, Nga rời ngay mục tiêu là Phượng và quay sang Khánh nũng nịu trách:

  • “Anh có bao giờ để tâm tới em đâu? Nếu có, hẳn anh đã biết năm nay em tốt nghiệp trung học.  Thế mà anh chẳng nhớ gì hết.”
  • “Có chớ, tôi nhớ lúc nhỏ cô hay về hùa với em gái tôi bắt nạt Đình và tôi phải đứng mỏi cả chân để quay dây cho các cô nhảy. Thế mà không hiểu tại sao chúng tôi cứ tăm tắp nghe theo mới lạ chứ?”

Nga cười ròn tan:

  • “Vì vậy bây giờ anh thù, không thèm chơi chung nữa?”
  • “Không dám đâu!” Khánh cười  “có điều bây giờ tôi lớn rồi, không để cho ai chỉ huy nữa.  Còn cô, vẫn thích làm xếp xòng hả?  Cô giỏi lắm, làm cách nào cô kéo được con Thư nhà tôi về làm chị dâu cô?”
  • “A chuyện đó không phải tại Nga đâu, mà do tôi chủ mưu đấy!”

Đình xen vào, vừa cười vừa nói, mọi người cùng cười xoà.  Khánh quay sang Phượng, giải thích:

  • “Hai gia đình quen thân, và chúng tôi vẫn nô đùa với nhau lúc còn bé.”
  • “Phượng cũng đoán thế.”

Họ nói dăm ba câu chuyện bâng quơ, rồi Khánh thoái thác cáo từ, nói với Đình:

4814 4 DSDV Chg3LPLan

  • “Cậu về khách sạn trước đi, lát nữa sẽ gặp lại. Bây giờ tôi phải đưa cô Phượng trở về nơi tập họp, kẻo trễ giờ.”

Tới nơi vừa kịp, mọi người đang sửa soạn lên xe.  Đôi bạn chia tay trong bịn rịn, Khánh đứng ngó theo cho tới khi chiếc xe đò chở nàng xa khuất tầm mắt, chàng mới lững thững quay bước.

Lưu Phương Lan

(Xin Xem tiếp Chương 4)

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC