Dòng Sông Dĩ Vãng - Chương 10
Tóm lược truyện dài DÒNG DÔNG DĨ VÃNG – TG : Lưu Phương Lan
(Designed by Nắng Cali)
Chuyện tình thơ mộng của Khánh, anh chàng sinh viên y khoa con nhà giàu với Phượng, cô nữ sinh con nhà nghèo nhưng rất đẹp. Họ gặp nhau tình cờ và yêu nhau tha thiết. Nhưng cuộc hôn nhân đó không được gia đình Khánh chấp thuận, bởi vì Phượng có một cậu em bị tật nguyền bẩm sinh.
Qua bao nhiêu khó khăn, họ vẫn lấy được nhau, và sống rất hạnh phúc cho tới một ngày khám phá ra Phượng bị mắc bệnh ung thư. Sau khi qua khỏi, Phượng tiếp tục việc học và trở thành một cô giáo rất tận tâm, yêu nghề. Nhưng chỉ được vài năm, ung thư lại tái phát.
Mặc dù là bác sĩ và hết sức thương yêu chăm sóc và chạy chữa cho vợ, nhưng Khánh cũng không thể cứu nàng thoát khỏi tay tử thần. Phượng qua đời sau đó.
Phần thứ hai là cuộc đời của Khánh sau cái chết của người vợ yêu dấu
CHƯƠNG 10
Khánh đứng trước gương chải tóc, và nắn lại cà vạt cho ngay ngắn, đi xin việc cũng cần có ngoại hình cho dễ coi, và bộ vó trang trọng mới dễ chiếm cảm tình của người đối diện. Hôm nay là lần đi xin việc thứ mấy, chàng cũng không nhớ rõ nữa. Sau khi thoát ly gia đình, Khánh phải đối diện với thực tế, làm thế nào để có tiền sinh sống và tiếp tục việc học? Ngày nào chàng cũng mua một tờ báo để dò mục cần người trên rao vặt. Khánh đã gởi đi mười hai lá đơn xin việc, và một lá đơn xin tình nguyện gia nhập Quân y để được cấp lương ăn học cho tới khi ra trường, nhưng chưa có kết quả. Cũng có vài nơi gọi chàng đến phỏng vấn, rồi từ chối ngay vì giờ giấc không thuận tiện. Khánh lo lắng, chàng đã bán cái xe hơi và sắp tiêu đến đồng bạc cuối cùng, nhưng vẫn chưa tìm ra việc làm.
Trong lúc đang tuyệt vọng nhất, thì một buổi trưa thứ sáu, chàng bỗng nhận được lá thơ của ông hiệu trưởng trường Minh Đức - một trường tư thục chuyên dạy luyện thi khá nổi tiếng - mời chàng đến tư gia của ông có chuyện cần bàn. Sung sướng, và tràn đầy hy vọng, Khánh sửa soạn đi liền. Mười lăm phút trước giờ hẹn, Khánh đã đến nơi. Đứng trước ngôi biệt thự to lớn và có vẻ cổ kính, Khánh rút tờ giấy ghi địa chỉ ra dò lại số nhà một lần nữa, rồi mới hồi hộp dơ tay bấm chuông. Ra mở cửa cho chàng là một ông già lưng còng, vẻ mặt cau có. Chẳng thèm chào hỏi khách lấy một tiếng, lão ta đưa mắt ngắm nghía Khánh từ đầu tới chân, rồi mới hất hàm:
- “Kiếm ai?”
- “Tôi muốn gặp ông hiệu trưởng Minh Đức. Ông ấy hẹn tôi lúc 5 giờ.”
- “Đi xin việc sao không nói phứt cho rồi? Vào đi!”
Nói xong, lão mở hé cánh cổng chỉ vừa đủ cho Khánh lách vào, rồi quay lưng đi trước, vừa đi vừa lầm bầm:
- “Trông cậu không có tác phong nhà giáo tí nào cả.”
Đang bực mình, Khánh cũng phải bật cười:
- “Bác tinh lắm! Đúng, tôi có phải nhà giáo đâu, tôi là sinh viên y khoa.”
- “Biết ngay mà, tôi đoán ít khi sai.” Lão nói với một vẻ tự đắc, lời khen của Khánh làm lão khoái chí và trở nên cởi mở hơn, lão nhìn chàng với một vẻ thương hại và tiếp tục “ông giáo sư cũ mới thôi việc tháng trước, ở đây chẳng ai làm lâu được cả…”
- “Sao vậy bác?” Khánh ngạc nhiên hỏi, “tại công việc vất vả quá hay tại gì?”
Nhưng lão ta đã quay đi chỗ khác không trả lời, nét mặt trở lại lạnh lùng như cũ. Biết có gặng thêm cũng vô ích, Khánh nói sang chuyện khác:
- “Bác làm ở đây đã lâu chưa?”
- “Hơn bốn mươi năm, từ khi ông chủ còn là một cậu bé mới chín, mười tuổi.”
- “Trời! lâu quá.” Khánh suýt soa
- “Phải, lâu lắm rồi.” Ông lão nhìn xa xăm như hồi tưởng lại quá khứ, rồi lẩm bẩm như nói với chính mình, “hồi còn mồ ma cụ tôi, nói của đáng tội, tôi được cụ thương lắm, coi như con cháu trong nhà. Cụ tôi mới mất cách đây tám năm.”
- “Thật đáng buồn.”
- “Ừ, buồn lắm, tôi còn sống ngày nào, là phải ở đây để lo nhang khói cho cụ.”
Lão có vẻ ngậm ngùi rồi làm thinh, từ đó không nói gì thêm. Đưa Khánh qua khu vườn trồng đầy bông sứ, lên mấy bậc thềm, đến trước cửa phòng khách, lão dừng lại, vẫy tay:
- “Vào đi! bà chủ đang chờ trong đó.”
Nói xong, lão quay lưng đi thật nhanh xuống nhà ngang. Khánh đưa tay gõ nhẹ hai tiếng, cửa phòng bật mở, một người đàn bà béo tròn, trang phục diêm dúa, đang ngồi rũa móng tay, thấy khách thì đứng bật ngay dậy. Khánh lễ phép cúi chào và tự giới thiệu:
- “Thưa bà! tôi là Lê Đăng Khánh…”
- “Tôi biết, tôi biết!” Bà ta niềm nở “còn tôi là vợ của ông Minh Đức. Mời cậu ngồi, nhà tôi sẽ xuống ngay bây giờ.”
Bà nhìn cái đồng hồ bằng vàng trên cổ tay tròn lẳn của mình, rồi kiểu cách nói:
- “Đúng giờ là nguyên tắc của ông ấy. Nhà tôi bận lu bu nhiều công việc, nhưng không bao giờ sai hẹn. Cậu uống một chút trà nóng cho ấm bụng nhé? chúng ta vừa uống vừa bàn chuyện.”
Bà hỏi Khánh về trình độ học vấn, về bằng cấp… rồi kết luận:
- “Thật ra khi nhận đơn xin việc của cậu, chúng tôi cũng không chú ý lắm, cho tới khi nhận được giấy giới thiệu của thầy giám hiệu Trịnh Tuy…”
Bà ngưng lại, nhấp một ngụm trà. Khánh cũng nâng tách trà lên, vừa uống vừa nghĩ mãi cũng không nhớ Trịnh Tuy là ai, nên buột miệng hỏi:
- “Ông giám hiệu Trịnh Tuy? Trịnh Tuy nào vậy?”
Không chú ý đến vẻ mặt ngạc nhiên của Khánh, bà Minh Đức mỉm cười, trả lời theo kiểu hiểu biết riêng của bà:
- “Trịnh Tuy là người có ba mươi phần trăm cổ phần trong công ty của chúng tôi. Ông về hưu từ năm ngoái, nhưng vẫn có chân trong ban điều hành của nhà trường. Ông ấy lại vừa mới điện thoại nhắc nhà tôi sáng nay.”
Tới đây thì có tiếng động nơi cầu thang, rồi ông Minh Đức xuất hiện. Đó là một người đàn ông, tuổi trạc ngoài năm mươi, tóc bạc hoa dâm, trông gầy gò, ốm yếu, ăn mặc tuy giản dị, nhưng cũng không làm mất đi cái vẻ nho nhã, trí thức. Khánh đứng dậy cúi đầu chào, ông ta đưa tay ra bắt, xiết tay chàng một cách rất thân thiện, rồi mới cất tiếng, giọng ấm áp:
- “Thế nào anh bạn trẻ? hy vọng anh sẽ nhận lời mời cộng tác với chúng tôi trong dịch vụ này chứ?”
Tim Khánh đập mạnh trong lồng ngực, nghĩ thầm thế ra mình đã được nhận rồi à? có thể dễ dàng đến thế sao? hay là mình nghe lầm? Như để trả lời cho những băn khoăn của chàng, ông ta nhìn Khánh bằng cặp mắt ưu ái:
- “Chắc nhà tôi đã nói cho cậu biết về lương bổng, và giờ giấc làm việc rồi chứ?”
- “Chưa, mình ạ, em chưa nói gì cả.” Bà Minh Đức xen vào.
- “Không sao, tôi sẽ nói ngay bây giờ đây. Anh bạn trẻ có lẽ cũng nên biết qua các cơ cấu, tổ chức của chúng tôi. Trường trung học tư thục Minh Đức có cả thảy hai mươi mốt lớp học, từ lớp 6 đến lớp 12. Đó là các lớp ban ngày, còn ban đêm chỉ có sáu lớp luyện thi đặc biệt, ba lớp luyện thi tú tài một, và ba lớp luyện thi tú tài hai. Những lớp này chỉ chuyên dạy về toán lý hoá, Anh và Pháp văn là những môn chính trong các kỳ thi…”
Ông ngưng lại, gõ nhẹ điếu thuốc vào cái gạt tàn, rồi mới tiếp tục:
- “Chúng tôi hiện đang thiếu một giáo sư phụ trách môn lý hoá luyện thi lớp 12, tôi muốn bổ xung anh bạn vào chỗ khuyết đó, được chứ?”
- “Xin vâng!” Khánh đáp một cách thận trọng, “tôi hy vọng những kiến thức mà tôi thu thập được sau bốn năm đại học sẽ giúp tôi hoàn thành trách nhiệm.”
- “Được vậy tốt.” Ông mở thời khoá biểu ra xem rồi nói “Mỗi tuần cậu sẽ dạy bốn buổi tối, mỗi buổi ba tiếng, từ 6 đến 9 giờ, thứ hai cho tới thứ năm. Có gì trở ngại không?”
- “Dạ không ạ!” Khánh mừng rỡ nói “giờ giấc như vậy thuận tiện cho tôi lắm, vì buổi tối tôi rảnh.”
- “Vậy xong rồi.” Ông Minh Đức vui vẻ nói “còn về lương bổng, chúng tôi sẽ trả cậu sáu ngàn đồng một tháng, cậu đồng ý không?”
Tim Khánh lại đập đánh thụp một cái, con số khá lớn làm Khánh bàng hoàng, chàng thật thà trả lời:
- “Dạ thưa, ông bà trả lương như vậy là hậu hỹ lắm, trên cả sự mong ước của tôi.”
- “Cậu biết nghĩ vậy thì tốt lắm.” Bà Minh Đức nghiêm giọng nói “Tôi khỏi phải dài dòng, đúng vậy, chúng tôi trả lương cao để đổi lấy chất lượng tốt. Ý tôi muốn nói cậu phải bảo đảm cho sự đỗ đạt của học trò.”
Đang vui, Khánh bỗng tắt ngay nụ cười, chàng ngẩng nhìn người đàn bà đối diện, bà ta đang ngồi thẳng lưng, vẻ mặt khắc nghiệt, miệng mím lại, đôi môi mỏng lộ rõ chân tướng của một người tham lam, ích kỷ. Khánh thoáng nhớ tới những lời úp mở của ông lão bộc, không ngần ngại, chàng nói thẳng:
- “Thưa bà, chuyện đó chẳng ai dám bảo đảm, vì còn tùy thuộc nhiều yếu tố, thí dụ như trình độ và sự chăm chỉ của các em học sinh…”
Trán bà vợ hơi cau lại, nhưng ông chồng mỉm cười dễ dãi:
- “Cậu nói đúng, chẳng ai có thể bảo đảm được hết. Ý bà ấy chỉ muốn nói chúng ta phải cố gắng hết sức để giữ danh tiếng cho trường.”
Bà Minh Đức nở một nụ cười khoe khoang:
- “Trường của chúng tôi thành lập đã mười hai năm, chưa năm nào tỷ lệ học trò thi đậu duới 80 phần trăm.”
Ông Minh Đức ngắt lời:
- “Đó cũng là nhờ công lao của các giáo sư phụ trách. Có rất nhiều khó khăn mà họ đã cố gắng vượt qua. Còn nữa, chúng tôi không tham lam, thâu nhận học trò bừa bãi, mỗi lớp chỉ nhận tối đa năm mươi em. Ít thì sẽ dễ cho các giáo sư theo dõi trình độ từng em. Tuy vậy việc luyện thi cũng đòi hỏi nhiều công sức lắm đấy.”
- “Tôi sẽ cố gắng!” Khánh đáp.
- “Tôi hy vọng công việc ở đây sẽ không quá vất cả đối với cậu, vì cậu còn đang đi học.”
- “Thưa ông! tôi đang cần tiền để sinh sống và tiếp tục việc học. Tôi biết là khó, nhưng tôi không sợ khó, cũng không ngại vất vả. Tôi có kiến thức, có tuổi trẻ và sức khoẻ, tôi sẽ cố gắng làm việc để xứng đángvới đồng lương nhận được.”
Mặt bà Minh Đức tươi như hoa, quay sang nói với chồng:
- “Đấy mình xem, tôi nói có sai đâu? cậu Khánh sẽ là một cộng sự viên đắc lực của chúng mình mà.”
Ông Minh Đức gật đầu, vẻ hài lòng:
- “Bây giờ chúng ta bàn đến việc ký giao kèo nhé? bao giờ cậu có thể nhận việc? Chúng tôi cần người càng sớm càng tốt.”
Khánh nhìn cuốn lịch treo trên tường, nghĩ ngợi một lúc rồi đáp:
- “Đầu tháng tới, được không ạ? tôi cần thì giờ để thu xếp một vài việc riêng.”
- “Được, được mà.” Ông Minh Đức vui vẻ nói, “cậu cứ thong thả thu xếp việc nhà cho xong đi đã. Từ giờ đến đầu tháng còn có mười ngày nữa, liệu đủ thì giờ không?”
- “Dạ đủ. Xin cám ơn ông bà.”
Khánh nói và nghĩ đến cái hẹn cùng người yêu về quê, ra mắt cha nàng, lòng chàng rộn lên một niềm hân hoan vô tả. Khi hợp đồng được ký kết xong xuôi, ông Minh Đức đưa cho chàng một bản, vui vẻ nói:
- “Hy vọng chúng ta sẽ cộng tác lâu dài với nhau.”
- “Được thế còn gì bằng! Khánh đáp một cách thành thực.”
Bà Minh Đức nói với chồng:
- “Xong xuôi cả rồi chứ? bây giờ mình có thể đưa cậu Khánh đi xem trường được rồi." Quay sang Khánh, bà vui vẻ nói "cũng gần đây thôi, trường chỉ cách nhà có vài trăm thước, tiện lắm.”
Khánh mau mắn đáp:
- “Vâng! ở ngã tư đầu phố. Tôi biết, vì trước khi tới đây, tôi có đi ngang qua đó.”
- “Vậy à? cậu thấy thế nào?” Bà Minh Đức tò mò hỏi.
- “Trường đồ sộ, và có nhiều cây xanh đẹp lắm. Nhưng tôi chỉ mới được nhìn sơ qua phía ngoài.”
- “Tôi sẽ đưa cậu vào xem bên trong.” Ông Minh Đức nói “chúng ta đi ngay bây giờ, tôi đưa cậu đi coi các lớp học.”
Ông Minh Đức nói xong, quay sang vợ dặn dò:
- “Bà nói anh bếp làm mấy món đặc biệt, chúng ta mời cậu Khánh dùng cơm tối nay, hy vọng cậu không kẹt chuyện gì chứ?”
- “Dạ không ạ!” Khánh vội vã nói, “ông bà đã mời, tôi xin nhận lời.”
Tối hôm đó, sau khi từ giã hai vợ chồng ông Minh Đức, Khánh ra về, lòng lâng lâng sung sướng vì đã quẳng được gánh lo. Thế là vấn đề sinh kế đã tạm giải quyết xong, Khánh thấy lòng nhẹ nhõm, nhưng nhớ đến vẻ mặt cay nghiệt của bà Minh Đức, chàng không khỏi mất vui. Khánh thầm làm một cuộc so sánh giữa hai vợ chồng: bà vợ khó khăn, keo kiệt bao nhiêu, thì ông chồng dễ dãi, tử tế bấy nhiêu. Trong suốt bữa ăn, tuy cố tránh, xong cũng không khỏi có đôi lúc bà thốt ra những lời không mấy đẹp lòng. Có lẽ cũng thấu hiểu những lo ngại trong lòng chàng, ông Minh Đức đã nói nhỏ vào tai Khánh khi tiễn chàng ra cửa:
- “Đàn bà hay lặt vặt, cậu đừng để tâm. Cứ nhớ là cậu làm việc với tôi, chứ không phải với bà ấy.”
Dù sao, những lời lẽ tử tế của ông Minh Đức cũng làm Khánh yên tâm hơn.
Lưu Phương Lan
(Xin xem tiếp Chương 11)