Dòng Sông Dĩ Vãng - Chương 9
Tóm lược truyện dài DÒNG DÔNG DĨ VÃNG – TG : Lưu Phương Lan
(Designed by Nắng Cali)
Chuyện tình thơ mộng của Khánh, anh chàng sinh viên y khoa con nhà giàu với Phượng, cô nữ sinh con nhà nghèo nhưng rất đẹp. Họ gặp nhau tình cờ và yêu nhau tha thiết. Nhưng cuộc hôn nhân đó không được gia đình Khánh chấp thuận, bởi vì Phượng có một cậu em bị tật nguyền bẩm sinh.
Qua bao nhiêu khó khăn, họ vẫn lấy được nhau, và sống rất hạnh phúc cho tới một ngày khám phá ra Phượng bị mắc bệnh ung thư. Sau khi qua khỏi, Phượng tiếp tục việc học và trở thành một cô giáo rất tận tâm, yêu nghề. Nhưng chỉ được vài năm, ung thư lại tái phát.
Mặc dù là bác sĩ và hết sức thương yêu chăm sóc và chạy chữa cho vợ, nhưng Khánh cũng không thể cứu nàng thoát khỏi tay tử thần. Phượng qua đời sau đó.
Phần thứ hai là cuộc đời của Khánh sau cái chết của người vợ yêu dấu
CHƯƠNG 9
Bác sĩ Hoành đặt xấp hồ sơ bệnh lý đang đọc dở xuống bàn, đưa mắt lơ đãng nhìn ra cửa sổ. Bên ngoài, trời nắng chang chang, không một ngọn gió, cây cối đứng im, ủ rũ dưới cái nóng như thiêu như đốt của buổi trưa hè. Sân bệnh viện vắng tanh, ai cũng muốn trốn những tia lửa chói chan của mặt trời ngay trên đỉnh đầu. Đà Nẵng tuy là một thành phố biển, nhưng thỉnh thoảng cũng có những ngày oi bức rất khó chịu. Tiên đoán thời tiết cho biết đêm nay sẽ có bão, đã có những dấu hiệu báo trước là cơn bão đang tới. Mới xế trưa, mà nước triều đã dâng, và bầu trời như thấp hẳn xuống, thỉnh thoảng có những cơn gió xoáy làm cát bụi bay mù mịt. Nói tóm lại, hôm nay là một ngày rất xấu.
Tuy có máy lạnh, nhưng căn phòng vẫn ngột ngạt như thiếu không khí. Cảm thấy khó chịu trong người, bác sĩ Hoành chỉ muốn đi dạo chơi trên bãi biển một lúc cho dãn trí, nhưng lại ngại phải ra ngoài khi thời tiết xấu như thế này. Ông xô ghế đứng lên, đi qua, đi lại trong phòng, với một vẻ bực bội, khó chịu. Trí óc của ông rối tung lên vì bao nhiêu việc phải lo nghĩ.
Cách đây hơn ba tuần, một bệnh nhân của ông được nhập viện vì sưng ruột dư, tình trạng không có gì nguy hiểm vì khám phá sớm, và được giải phẫu ngay. Ca mổ thành công tốt đẹp, nhưng không hiểu sao bệnh nhân lại chết ngay sau khi mổ có vài giờ. Nguyên do không biết vì đâu? và người nhà của bà ta đang thưa kiện. Việc này làm ông nhức đầu vô cùng, ngoài việc liên quan đến pháp luật, còn lương tâm chức nghiệp. Ông tự hỏi ông đã làm điều gì lầm lẫn để bệnh nhân chết oan? Hay bệnh nhân đã mắc phải một bệnh trầm trọng, ngoài bệnh đau ruột dư, mà ông chưa khám kỹ? Ông tặc lưỡi và lại ngồi xuống ghế, mở tập hồ sơ ra xem lại, thì chuông điện thoại bỗng reo.
Vừa nhấc điện thoại, ông giật mình ngồi thẳng người lên, người nào đó ở đầu giây bên kia vừa báo cho ông một tin không vui, là bộ y tế sẽ cử người tới bệnh viện để điều tra sự việc, và họ cho ông một cái hẹn. Đặt điện thoại xuống, ông thừ người suy nghĩ. Không! không phải ông sợ tù tội, vì ông không làm điều gì sai trái cả, ca mổ thành công, khúc ruột sưng mủ được giữ lại để làm bằng chứng. Ông chỉ giận mình là một bác sĩ mà không biết bệnh nhân chết vì nguyên do nào? Nhưng ông sẽ yêu cầu pháp y cho mổ tử thi để tìm ra nguyên do cái chết, và sự thật sẽ được phơi bầy khi có kết quả. Rồi đây mọi việc sẽ sáng tỏ, bây giờ ông chỉ bực mình, vì chưa gì mà thiên hạ đã đồn đãi những điều không hay, có hại cho uy tín của bệnh viện, và cá nhân ông. Ngoài ra, những cuộc thẩm vấn của nhân viên điều tra cũng làm ông bực bội. Nếu ông nói ra, than thở với vợ con, thì sự bực bội kia sẽ giảm đi nhiều, đàng này ông chỉ giữ kín, âm thầm chịu đựng một mình, nên cái áp lực kia càng ngày càng đè nặng, làm cho ông cảm thấy căng thẳng và khó chịu vô cùng. Đặt mạnh tập hồ sơ xuống bàn, ông thở ra với vẻ mặt không vui. Đúng lúc đó thì Khánh gõ cửa, rồi bước vào phòng…
Ba tháng trước, trong dịp ông Hoành vào Sài Gòn tham dự cuộc hội thảo các bác sĩ, Khánh đã đưa Phượng đến ra mắt cha tại khách sạn Caravelle, nơi ông đang ở tạm. Cuộc tiếp xúc trước sau chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, sau đó họ đã dùng bữa trưa ngay tại khách sạn với những món ăn nhẹ. Trong suốt buổi hội kiến, ông Hoành đã dùng thái độ lịch sự để tiếp đãi bạn của con, khiến Phượng cảm thấy thoải mái, tự nhiên ngay được. Nhưng trên khuôn mặt trầm tư của cha, Khánh dò xét mãi mà cũng không tìm thấy một nét thân thiện nào cả, không hiểu cha có cảm nghĩ gì? cha chàng vốn là một người kín đáo, ít khi để lộ tình cảm ra ngoài.
Kỳ nghỉ hè lần này, về thăm nhà, chàng nhất định sẽ phải tìm hiểu. Cũng như những kỳ nghỉ hè trước, chàng hay vào bệnh viện giúp cha làm sổ sách, giấy tờ. Hôm nay Khánh thấy lòng vui vui, chàng quyết định sẽ thổ lộ tâm tình cùng cha. Khánh vốn ngại nói chuyện riêng tư của mình trước mặt bà mẹ kế, chàng nghĩ buổi trưa là tốt nhất, vì là giờ cha được nghỉ ngơi. Nhưng Khánh đã chọn thời điểm không đúng lúc, lẽ ra chàng không nên tới tìm cha trong lúc ông đang gặp chuyện không vui. Nhưng mọi việc chắc là do số trời đã sắp đặt. Khánh vào phòng, không để ý gì đến vẻ bực bội của cha cả, chàng nhìn đồng hồ, thấy đã gần một giờ trưa, nên hỏi:
- “Bố đã ăn gì chưa?”
- “Bố không thấy đói.” Ông Hoành vươn vai mệt mỏi “Con xong việc rồi hả? về sớm đi nghỉ đi!”
- “Không! hôm nay con muốn ở lại đây, con có việc cần thưa với bố.”
- “Hả? chuyện gì vậy, có quan trọng lắm không?” Ông Hoành hơi cau mày nói “nếu không thì để lúc khác đi, hôm nay bố không có nhiều thì giờ.”
Thoạt đầu ông không muốn nói chuyện, nhưng thấy vẻ điệu bộ bứt rứt của con, ông đổi ý. Thở ra một hơi dài, ông nói:
- "Thôi được rồi, con muốn gì thì cứ nói đi! Việc học hành hả? hay là con muốn xin tiền bố để đi chơi xa?”
- “Không phải vậy đâu bố. Con muốn thưa với bố chuyện tình cảm của con, nhưng đợi mãi không thấy bố nói gì cả.”
- “Những chuyện bồ bịch lăng nhăng của con, bố không cần biết.”
- “Không phải chuyện lăng nhăng. Hôm nay con nói chuyện đứng đắn, xây dựng mà bố.”
- “Con muốn lấy vợ à? Còn đang đi học, tính chuyện đó chi vội? mà con muốn lấy đứa nào?”
Khánh chưng hửng, không dấu nổi vẻ thất vọng:
- “Bố thấy người yêu của con rồi mà? con đã đưa nàng đến ra mắt bố kỳ đó… Bây giờ muốn biết ý kiến của bố về Phượng.”
Ông Hoành gỡ cắp mắt kính ra lau, gật gù:
- “Bố thấy cô ta trông hiền lành và khá đẹp.”
Khánh khấp khởi mừng thầm:
- “Bố cũng thấy là con đã chọn đúng người, phải không bố?”
Nhưng chàng vội tắt ngay nụ cười, khi thấy cha lắc đầu:
- “Con mê gái đẹp cũng là chuyện thường tình thôi. Thanh niên mới lớn người nào chả thế, bố hiểu tuổi trẻ bồng bột và bố thông cảm. Nhưng…”
- “Nhưng sao? bố nói tiếp đi” Khánh hồi hộp hỏi.
Ông Hoành không trả lời vội, ông nhìn con, đứa con trai duy nhất ông thương yêu hơn hết mọi thứ trên đời này, nó còn non nớt quá, phải lựa lời cách nào đây cho nó khỏi bị cú xốc bất ngờ? Nghĩ ngợi một hồi, ông mới chậm rãi nói với con như người đang tâm sự:
- “Vì việc học hành của con, bố bất đắc dĩ phải để con sống xa gia đình. Nhưng không phải vì vậy mà bố không quan tâm đến con, đến đời sống tình cảm của con. Bố đã theo rõi, cho người điều tra về người bạn gái của con, và bố đã biết, có thể biết nhiều hơn con biết về cô ta nữa. Sở dĩ bố im lặng, là vì bố nghĩ đó chỉ là những tình cảm nhất thời, chuyện ái tình lăng nhăng của tuổi học trò.”
- “Không phải vậy đâu bố. Con quyết định sẽ tiến tới, tính chuyện trăm năm với cô ấy.”
- “Cái gì? con muốn cưới con bé đó hả? Không thể được!”
- “Sao lại không thể?” Khánh toát mồ hôi, run giọng hỏi “bố chê cô ta ở điểm nào? có phải chỉ vì nhà Phượng nghèo và không môn đăng hộ đối với nhà mình?”
- “Không! không phải. Gia đình chúng ta giàu có, con không cần phải dựa vào tiền bạc hoặc thế lực của gia đình bên vợ. Bố muốn nói bố không coi trọng vấn đề môn đăng hộ đối.”
- “Vậy thì lý do gì khiến bố phản đối?”
- “Có nhiều lý do lắm. Con mới quen cô ta chưa được bao lâu, còn nhiều điều về cô ta, con chưa tìm hiểu một cách tường tận.”
- “Bố cho một thí dụ cụ thể đi! chẳng hạn như..?”
- “Chẳng hạn như… con có biết rằng cô ta có quan hệ mật thiết với một người hoạ sĩ tên tuổi?”
Khánh nhổm người lên như bị điện giật:
- “Không làm gì có chuyện đó. Bố nói phải có chứng cớ chứ?”
Ông Hoành ấn con ngồi xuống ghế, từ tốn nói:
- “Đừng nóng nảy thế. Con ngồi xuống đi, bố cho xem bằng chứng.”
Ông rút từ trong ngăn kéo bàn giấy ra một tấm ảnh, Khánh hấp tấp vồ ngay lấy, đó là ảnh chụp một bức vẽ, và người con gái trong tranh chính là Phượng. Khánh thở phào:
- “Tưởng gì… Đây chỉ là một bức vẽ, bố thấy tấm tranh này ở đâu?”
- “Trong một cuộc triển lãm tranh ở khách sạn Caravelle. Bố hỏi mua, nhưng họ không bán, nên bố đã chụp lại. Sau đó ban tổ chức có giới thiệu bố với hoạ sĩ Quốc Phong là người đã vẽ bức tranh đó. Bố đã tiếp xúc với ông ta, người hoạ sĩ trẻ tuổi đó cho bố biết rằng cô gái trong tranh là người ông ta yêu tha thiết, vì thế ông ta sẽ giữ bức tranh cho riêng ông, chứ nhất định không bán.”
Khánh bóp trán suy nghĩ rồi mới nói:
- “Quả thật con không biết việc này, để con sẽ hỏi lại Phượng. Nhưng nếu chuyện có thật chăng nữa, cũng đâu có nghĩa là Phượng yêu anh ta? Bố biết là một cô gái đẹp như Phượng, thiếu gì người theo đuổi?”
- “Con yêu nên mù quáng. Con phải biết, hoàn thành một bức tranh không phải nhanh chóng như ta chụp một tấm hình, cô ta đã tới lui nhiều lần, ngồi làm mẫu cho một hoạ sĩ chuyên vẽ khoả thân như ông ta…”
- “Nhưng đây chỉ là bức chân dung, chứ đâu phải tranh khoả thân?” Khánh cãi.
- “Ai biết đâu họ đã làm gì trong khi vẽ? Nội cái con không biết gì về việc này cũng đủ để chứng tỏ cô ta còn nhiều điều dấu diếm.”
- “Bố đừng vội kết tội, trong khi chính bố cũng không biết rõ.”
- “Thôi được rồi, còn một điều thứ hai, và điều này mới quan trọng hơn cả.”
- “Bố nói nốt đi!”
- “Cô ta có một nguời em không bình thường, mà cái tật này có từ lúc sinh ra, tức là do di truyền. Bố sợ con cái của cô ta sau này có thể cũng sẽ bị câm điếc như em cô ta vậy.”
Ông Hoành ngưng lại một phút, nhìn con bằng cặp mắt nghiêm nghị:
- “Con nghe bố nói. Bố chỉ có mình con là trai để nối dõi tông đường. Bố rất thương yêu con, bố muốn cho con hạnh phúc lấy được người con yêu, nếu cô ta là một người bình thường. Không phải bố khó tánh, hay khe khắt trong việc chọn vợ, chọn chồng cho con cái, bố cũng không phân biệt giàu nghèo, hay môn đăng hộ đối… Bố chỉ không muốn phải chấp nhận rủi ro có những đứa cháu tật nguyền, vì vậy bố không đồng ý cho con cưới cô ta.”
- “Nhưng con yêu Phượng, con không thể sống thiếu nàng được.” Khánh ôm đầu, khổ sở nói “xin bố hãy vì hạnh phúc của con...”
- “Bố có thể chiều con bất cứ chuyện gì, nhưng việc lấy vợ thì con phải nghe lời bố, không nên dây dưa với một cô gái có quá nhiều vấn đề.”
Khánh có cảm tưởng như trời đang xụp đổ quanh mình, làm chàng tối tăm mặt mũi. Khánh cúi đầu chờ cho qua cơn xúc động, khi ngẩng lên, chàng nhìn thẳng vào mặt cha, cương quyết nói:
- “Cả hai lý do bố đưa ra, con thấy đều không thể chấp nhận được. Con không tin rằng Phượng có điều gì khuất lấp phải dấu diếm con cả. Còn về đứa em của nàng, Phượng có kể cho con nghe, nó được sanh ra trong một đêm có pháo kích, có thể tiếng nổ lớn đã làm cho nó bị thủng màng nhĩ. Không nghe được từ lúc mới đẻ thì làm sao có thể học nói? Nhưng dù không phải vậy, mà là tật bẩm sinh đi nữa, cũng không có gì chắc chắn là nàng sẽ sinh ra những đứa con câm điếc. Vì muốn đề phòng một việc không chắc sẽ xảy ra, mà bố đang tâm phá hỏng những dự tính tương lai của con.”
- “Không phải bố cố chấp, nhưng cưới vợ cho con mà cứ phập phồng lo ngại sẽ có những đứa cháu câm điếc, là điều bố không thể làm.”
Khánh nhìn cha, nói như van lơn:
- “Bố cũng như con đều là bác sĩ, hẳn bố cũng biết có những trường hợp bệnh hay tật bẩm sinh mà khoa học không thể giải thích được, và không phải do di truyền. Gia đình mình chẳng hạn, cả hai bên nội ngoại đâu có ai bị ung thư, thế mà chị con lại chết vì bệnh ung thư máu…”
Mặt ông Hoành bỗng xám ngoét, mỗi lần gợi đến cái chết của đứa con gái đầu lòng, ông lại cảm thấy đau đớn như có ai bóp nghẹt con tim. Cố dằn cơn xúc động, ông cau mày nói:
- “Đừng nhắc đến chuyện đó nữa!”
- “Nhưng chuyện đó cũng tương tự như chuyện đứa em của Phượng.”
Khánh vẫn bướng bỉnh nói. Tới đây thì ông Hoành bắt đầu mất bình tĩnh, ông nóng mặt, quát:
- “Thằng con ngỗ nghịch! Thì ra tất cả những lời tao giải thích với mày nãy giờ đều vô ích?”
- “Bố chỉ nói đến lý trí, bố không nghĩ đến tình cảm của con.”
- “Bố biết có thể con sẽ buồn khổ trong ít lâu, nhưng cái gì rồi cũng qua. Thời gian sẽ giúp con làm lại tất cả.”
- “Vết thương sâu quá sẽ làm cho con đứt tim mà chết. Không, bố ơi! con không thể sống sung sướng nếu không lấy được người con yêu.”
- “Con sẽ không chết đâu, đứa con dại khờ ạ, chết vì một đứa con gái là hèn lắm.”
- “Bố có nói gì cũng không thể ngăn cản được con. Con nhất quyết sẽ cưới Phượng.”
- “Không cần đếm xỉa đến cha mày?”
- “Nếu bố đẩy con đến mức phải quyết định như vậy.” Khánh xoắn hai tay vào nhau, cố gắng van nài “con vẫn biết công ơn cha mẹ như trời bể, con đâu dám chống lại, con chỉ xin bố cho phép con được chọn lấy người bạn đời của con.”
- “Con muốn lấy ai cũng được, nhưng trừ cô ta.” Ông Hoành nói giọng quyết liệt, “con đang ở cái tuổi bồng bột, bố không thể để con tự quyết định lấy một việc quan trọng như thế.”
Khánh hết kiên nhẫn và cũng lớn tiếng đáp lại:
- “Tại sao con lại không có quyền tự quyết định lấy cuộc đời của mình? Đây là chuyện trăm năm của con, chứ đâu phải của bố?”
Ông Hoành quắc mắt:
- “Mày là một đứa con bất hiếu, một thằng ngốc! Thử hỏi con đó có gì để hấp dẫn mày? Hừm! một đứa con gái nhà quê, tầm thường, nhưng bùa phép cao…”
Khánh đứng phắt dậy, muốn rời khỏi phòng tập tức, nhưng cha chàng dơ tay lên cản, ông nói dọng đấu dịu:
- “Không đi đâu hết. Con ngồi xuống, nghe bố nói, bố muốn con đợi một thời gian.”
- “Để làm gì?”
- “Con phải học xong đã, còn có ba năm nữa, đó là thời gian để thử thách.”
- “Sau đó bố đồng ý cho con cưới Phượng?”
- “Đến lúc đó sẽ hay, biết đâu thời gian sẽ làm con thay đổi ý định?”
- “Không đời nào!”
- “Đừng quả quyết gì vội, hãy đợi đến khi con học xong đã.”
Khánh biết đây là kế hoãn binh của cha, nên cười nhạt:
- “Con chỉ tuân lệnh bố, nếu bố hứa một lời chắc chắn.”
- “Bố không hứa gì cả.”
- “Nếu vậy con không thể nghe lời bố được, con rất tiếc…”
- “Mày muốn tự do kết hôn? Hừm! không hợp pháp đâu nhé.”
- “Con trên hai mươi mốt tuổi rồi, đừng doạ!”
- “Được, nếu vậy mày cứ chọn, hoặc là cưới con đó, hoặc là chấm dứt tình cha con, và khi tao chết đi, mày sẽ không được hưởng một xu tài sản nào cả. Tùy mày đấy, mày biết tính tao, chỉ nói một lời.”
Ông Hoành nói xong hầm hầm đứng dậy bỏ ra ngoài, mặt ông đỏ phừng vì tức giận. Mắt ông hoa lên, đầu ông nhức lắm rồi, chỉ trong vài tuần mà bao nhiêu biến cố xảy ra dồn dập khiến ông phải lo lắng, phải đối phó… Những áp lực bên ngoài làm đầu óc ông vô cùng căng thẳng, ông không muốn phải nhức đầu thêm nữa, ông chỉ muốn chấm dứt câu chuyện.
Khánh rời bệnh viện ra về với một tâm trạng thất vọng não nề và vô cùng đau khổ. Những ngày sau đó cũng chẳng khá hơn. Mặc những lời giãi bày, van lơn của con, ông Hoành vẫn không đổi ý, tình hình mỗi lúc một căng thẳng, và chiến tranh lạnh giữa hai cha con kéo dài cả mấy tuần lễ. Sau cùng cha chàng đưa ra quyết định tối hậu:
- "Mày phải chấm dứt ngay mọi liên hệ với con đó, đừng để sự việc tiến xa hơn. Tao không bao giờ chấp nhận một đứa con dâu như nó. Nếu cãi lời, từ nay đừng gọi tao bằng cha nữa."
Nói xong, ông đi nhanh ra cửa, không dám nhìn vào bộ mặt tái xanh của đứa con trai duy nhất mà ông thương yêu hơn cả bản thân mình. Nó đang đau khổ và oán hận ông, dáng dẫp thiểu não của nó làm ruột gan ông như thắt lại. Phải nói ra những lời ấy, ông cũng đau lòng lắm, nhưng ông không thể nhượng bộ một việc quan trọng như thế, một việc có liên hệ đến huyết thống và dòng dõi của ông, và của nó sau này. Thật tình, ông chỉ muốn cảnh cáo con, không ngờ hậu quả lại nghiêm trọng hơn là ông vẫn tuởng, bởi vì cũng như ông, Khánh thừa hưởng cái tính cố chấp, độc đoán của cha. Không người nào chịu lùi bước, hai cái cứng rắn mà va chạm nhau thì hậu quả đi đến đổ vỡ là chuyện tất nhiên.
Cha vừa đi khỏi, Khánh ôm đầu ngồi phịch xuống ghế, thừ người nghĩ ngợi rất lâu. Chàng vừa tức giận vừa đau khổ, không ngờ sự việc lại như thế này, cha chàng đã dồn chàng đến bước đường cùng, chàng bắt buộc phải lựa chọn, một sự lựa chọn đau lòng, vì trong thâm tâm, Khánh không muốn mất bên nào cả. Nhưng chàng biết tính cha, đã nói là làm, không bao giờ chịu nhượng bộ. Trước mắt Khánh bây giờ chỉ có hai con đường: hoặc ở lại đây, làm một đứa con ngoan để mai sau sẽ là người thừa kế một gia tài đồ sộ, một cuộc sống vàng son đang chờ đợi. Hai là phải từ bỏ tất cả, nhưng bù lại chàng sẽ có Phượng. Mặc dù rất đau lòng, nhưng Khánh quyết định, chàng sẽ đánh đổi tất cả để lấy được người yêu.
Sau đó ít ngày, đợi lúc cha vắng nhà, Khánh thu xếp quần áo và ít vật dụng cá nhân, dồn vào một cái va ly nhỏ và xách đi. Ra tới cổng, chàng dừng lại một chút, quay lại nhìn một lần chót, căn biệt thự sang trọng, nơi chàng ra chào đời và sống suốt quãng đời thơ ấu, giã từ nếp sống sang giàu, giã từ công danh, sự nghiệp, giã từ tất cả…
Khánh bùi ngùi nhớ lại những kỷ niệm của một thời đã qua, về người mẹ đã khuất, và về người em gái lúc này đang ở xa. Thư đã lấy chồng và sống cuộc đời hạnh phúc của riêng nó. Nhưng còn mẹ? nếu mẹ có linh thiêng, hẳn bà sẽ đau lòng lắm khi chứng kiến cảnh cha con chia lìa, và chàng đang bước vào con đường phiêu lưu vô định. Khánh cố ngăn hai dòng nước mắt cứ chực trào ra, lẩm bẩm:
- “Mẹ! con rất tiếc, nhưng con không thể làm khác hơn được.”
Khánh quay vào, lặng lẽ cầm bức ảnh của mẹ trên bàn thờ, cho vào va li, rồi dứt khoát bước tới, không quay đầu lại nữa.
Lưu Phương Lan
(Xin xem tiếp Chương 10)