TKH - banner 03

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

      Tôi kể chuyện mùa gặt lúa mấy chục năm về trước, hồi người nông dân vừa gặt lúa vừa canh chừng chạy giặc, giặc đây là giặc Tây của những năm trước 1954, sau năm nói trên giặc có thể hiểu là phe bên nầy hay phe bên kia,  tùy theo bà con thợ gặt thuộc vùng nào trên đất nước trước 30-4-1975.

Thủa trước,  nông dân thường làm một vụ lúa mùa, gia đình nào dồi dào nhân lực, có thể làm thêm  ít công  lúa ngắn ngày để tăng huê lợi. Thực ra chỉ làm một vụ cũng dư dả lúa để ăn, để xài. Bởi vậy trong ca dao tục ngữ có câu:

            Tháng giêng là tháng ăn chơi
            Tháng hai cờ bạc tháng ba rượu chè

Nơi nào dân tiếc công, tiếc việc thì có thể sửa lại

            Tháng giêng là tháng ăn chơi
            Tháng hai trồng đậu, trồng khoai trồng cà
 
Ảnh trên net
 
Xuất xứ những câu trên vào lúc ruộng còn bề bề, dân tình thưa thớt. Vào thời vừa nói, nông dân chưa biết phân hóa học như: u-rê, ba màu. Muốn cho đất thêm màu mỡ họ dùng phân xanh, phân bắc, phân tro mà không xài phân hóa học vì sợ chai đất. Đa số người miền Nam, đến mùa nắng, khi trời đổ một hai trận mưa đầu mùa, gốc rạ nằm sát mặt đất, họ chỉ cần một mũi lửa là gốc rạ cháy thành tro bón đất rất tốt mà khỏi tốn tiền mua phân.

Lúa vụ mùa thường chín vào nửa tháng giêng âm lịch, khi ăn Tết vừa xong,  bà con vội vã ra đồng cắt gặt. Gặp năm nhuận,  lúa chín trước Tết, những nhà có tiền bạc lúa chín trước hay sau Tết không là mối lo. Chủ điền giàu có thể mướn mỗi ngày hằng mấy chục công cắt hay gặt. Ruộng lúa của họ chỉ gặt một hai hôm thì xong, kế đó mướn trâu cộ lúa đem về sân, chủ điền tha hồ ăn Tết bao lâu cũng được. Đối với hạng nghèo cắt gặt công nhà (vợ chồng con cái xúm nhau cùng làm) không mướn công, gia đình nầy chỉ ăn Tết một hai ngày rồi hối hả ra đồng vì để lúa chín lâu ngày chim chuột ăn hết, đó là chưa kể lúa quá chín dễ rụng hạt. Có năm đang ăn Tết,  trời luôn vầng vũ báo hiệu mưa sớm, công việc của nhà nông  càng thêm vất vả, cắt gặt không kịp thở, tính toán làm sao phải đem lúa về nhà trước khi  trời đổ mưa. Trên đây tôi sơ lược mùa gặt của mọi từng lớp dân chúng: giàu, hoặc nghèo. Giờ xin các bạn cùng tôi ra ruộng vào mùa gặt,  khi lúa đã chín vàng đồng. Mùa gặt, người nông phu  đều cùng nhau ra ruộng vì lúa trong vùng gần như chín cùng lúc hoặc chênh lệch nhau sáu bảy ngày. Vì thế mùa gặt là mùa vui nhứt, người nầy hú người kia, chuyện trò,  đôi khi chọc ghẹo nhau rồi cùng cười đùa vui vẻ. Cấy lúa ta thường nghe hát hò, mùa gặt ít ai hò hay hát. Có thể mùa gặt trời nắng chang chang, khiến họ dễ mệt nên ít hò hát chăng?

Miệt Long Xuyên, Châu Đốc, Sóc Trăng, Bạc Liêu, một đám ruộng nhiều khi thợ gặt hằng mấy chục người, nhiều thửa ruộng liền ranh nhau, mỗi người vài câu thăm hỏi xã giao cũng ồn ào náo nhiệt rồi.

 Trong cuộc chiến vừa qua, có lần trên trực thăng tôi thấy thợ gặt vùng Long Xuyên Châu Đốc mặc áo toàn màu trắng (không trắng toát mà màu ngà), tôi ngạc nhiên nghĩ là dân đi gặt ngày nay đã giàu hơn khi tôi làm ruộng, chừng tìm hỏi mới biết họ mặc toàn áo trắng để phe Quốc gia biết là dân thường (không phải V.C).

Tôi đã hướng dẫn bạn đọc đi khắp miền Tây xem gặt lúa, giờ xin trở về quê nhà coi mùa gặt thế nào.

Ảnh trên net

Gia đình tôi canh tác bốn mẫu ruộng, tức bốn mươi công toàn lúa mùa. Ăn Tết xong lối mùng sáu, gia đình tôi chuẩn bị công cắt lẫn công gặt. Người cắt  dùng liềm hái cắt lúa,  khi đã đầy  nắm tay  không thể cầm được nữa, họ để tay lúa xuống trên mấy gốc rạ vừa cắt xong cho khỏi ướt,  cứ tiếp tục như thế cho đến xong công cắt. Mướn công cắt thường rẻ tiền hơn công gặt. Thợ gặt dùng vòng gặt, gần giống như cái cù nèo của mấy anh phát cỏ, có tra liềm hái nhỏ ở giữa. Thợ gặt dùng phần cong của vòng gặt gom các buội lúa gần,  nắm vô tay xoay liềm hái cắt, cứ ba lần như vậy họ cắt một buội lúa sát gốc làm dây lạt cột ba mớ lúa vừa cắt được thành một bó. Thợ gặt để bó lúa trên các gốc rạ  đã bẻ cò. Nếu ruộng khi lúa chín vẫn còn nước,  người ta thường mướn công gặt,  tuy mắc tiền hơn nhưng bảo đảm lúa không bị ướt, cộ lúa gặt cũng nhanh hơn lúa cắt. Khi lúa chín đồng loạt, chủ đất phải mướn nhiều công cắt hoặc công gặt. Miệt vườn khi mướn công,  chủ nhà bao giờ cũng cho họ  ăn trưa, chủ phải chuẩn bị nào đem cơm ra ruộng cộng với canh,  kho, đũa chén  lỉnh kỉnh mà không có chỗ cho một số đông ngồi ăn. Vì vậy chủ nhà có sáng kiến,  thay vì nấu cơm tẻ họ nấu cơm nếp hay nấu xôi bưng ra đồng, thợ gặt, thợ cắt dùng đũa hoặc muỗng ăn với đường cát hoặc cá kho khô. Chủ nhà tốt bụng gói bánh lá dừa,  tức là dùng lá của đọt dừa quấn  thành hình ống đổ nếp trộn với đậu đen,  buộc chặt, đem nấu chín  từ chiều hôm trước,  tới khi gặt chỉ cần mang một rổ bánh, thợ gặt ăn với đường,  nếu dư họ có thể xin một hai cái bánh về cho con cái. Ngày chuẩn bị gói bánh  cho thợ gặt nhà tôi thường có ba bốn người phụ gói với má tôi. Phần tôi chặt đọt dừa để lấy lá, nạo dừa để trộn với nếp. Trước khi nạo tôi thưởng thức nước dừa tới no bụng. Chờ bánh chín ăn còn nóng hổi ngon vô cùng, sáng đem bánh ra cho thợ gặt,  tôi lại thiếm xực thêm một hay hai cái nữa tùy theo nhu cầu.

Ảnh trên net

Mùa gặt ai cũng có việc làm, tôi phải lo đốn sậy hoặc cây lùn để làm bông tiêu cho từng công, ba tôi dùng tầm đo,  tôi cắm sậy, nội việc lội theo ba cắm tiêu cũng mệt đừ.  Một việc mà tôi chán nhứt là gom lúa cắt lại thành từng đống  chừng một ôm của người lớn để khi cộ về sân  được nhanh. Còn gặt thì khỏi phải gom vì lúa đã bó rồi. Tính toán kỹ,  mướn công gặt tuy có đắt nhưng tiện lợi hơn.  Thợ gặt thường là dân chuyên nghiệp, do đó nhiều khi tìm mướn công gặt không phải dễ,  đành phải mướn công cắt.

Chuẩn Bị Sân Lúa:

Những nhà làm ruộng nhiều, thường lo chuẩn bị sân lúa. Sân lúa phải đủ lớn, có thể đạp một lần mười công lúa cắt hay gặt. Sân lúa phải bằng phẳng, láng không có đất nhỏ trong sân, để khi đạp lúa không lẫn lộn với đất. Làm sân lúa cũng tốn nhiều công phu:  giẫy sạch cỏ, đổ nước cho ngập sân, đợi một hôm dùng trâu dậm cho dẽ. Sau khi cho trâu dậm chừng một buổi, làm cho bằng phẳng, quét sạch. Đó là sửa soạn sân lúa.

Cộ Lúa:

Chiếc cộ hình thức giống như xe ngựa nhưng hai bánh xe thay bằng hai gọng bằng tre, nối liền hai gọng với cái điêu tròng qua cổ trâu. Trâu mang điêu kéo luôn cộ chở lúa cắt xong đem về sân lúa.

Buổi cộ lúa vui nhứt đối với đám trẻ, ngày cộ lúa thế nào cũng xin được theo ra đồng. Từ sân lúa trâu kéo cộ không. Hai ba đứa tụi tôi ngồi lên cộ cho trâu kéo, mình có cảm tưởng như đang ngồi trên xe hơi. Tới ruộng trong lúc người lớn lo chất lúa lên cộ,  tụi tôi bắt dế để chiều về lại gầy trận đá dế cũng hào hứng lắm. Khi lúa cắt hay gặt đã đầy sân  chủ nhà định ngày đạp lúa.

Tùy theo bả lúa lớn hay nhỏ (chất thành hình tròn trên sân lúa) người ta có thể ken hai hay ba con trâu cho đạp trên bả lúa cho đến khi lúa rụng nhiều, chủ nhà kêu năm hay sáu người dùng mỏ sãi bắt bó, tức là dùng mỏ sãi giũ lúa lên cho hột rơi xuống sân. Xong màn bắt bó người ta lại cho trâu đạp tiếp cho đến khi hạt lúa hoàn toàn lìa khỏi cọng rơm. Bây giờ mới ra rơm, người ta cũng dùng mỏ sãi giũ  rơm thật mạnh cho lúa không còn dính rạ. Rơm giũ xong được chất thành cây rơm hình nấm để không mục khi gặp mưa. Rơm để cho trâu bò ăn, đun bếp,  ủ nấm.

Cần nói thêm ngày đạp lúa và ra rơm có nhiều người đến làm vần công, chủ nhà thường đãi ăn có vẻ thịnh soạn.  Buổi bắt bó chỉ cho uống trà, chiều ra rơm cũng giống như hồi bắt bó nhưng giũ kỹ hơn, chủ nhà cho ăn chè trôi nước, hoặc bánh canh, buổi tối ra rơm xong có nơi chủ đãi nhậu để ăn mừng: Lúa đạp xong chỉ còn giê phơi khô đem vô bồ hoặc bán.

Mùa gặt tới giai đoạn nầy xem như hoàn mỹ.  Có nhiều nơi không chắc đập được, lúa cắt gặt năm ngoài đồng dễ hư hao, chủ mướn chở bằng xuồng nếu có đường nước, xong cũng mướn trâu đạp như trên, hoặc đập bồ. Đập bồ người ta chở bồ đập ra chỗ ruộng vừa gặt xong, người ta đập lúa bằng tay. Đập lúa kiểu nầy bỏ rơm tại chỗ, đợi tháng nắng đốt làm phân bón cho ruộng.

Từ năm 1975 dân biết làm máy tuốt lúa. Dùng máy  phải có người ôm lúa bỏ vào máy. Lúa tuốt phải qua hệ thống quạt làm sạch bụi bu,  khỏi phải giê chỉ đem phơi rồi vô bồ

Trên đây tôi tóm tắt những việc phải làm trong mùa gặt, nhiều nơi cách thức làm cho ra lúa có khác, tựu trung là làm sao đem lúa hột vô nhà.

Viết xong November 26-2013

Nguyễn Thành Sơn

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.