TKH - banner 09

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 1 / 5

Star ActiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 
  
       Đường Phan Thanh Giản

 
alt
(Công Trường Phan Thanh Giản)

         Lộ trình thứ hai ta bắt đầu từ Đại Lý Sách Báo Nam Cường, trên đường Phan Thanh Giản, ta gặp ty Bưu Điện, trường Mẫu Giáo, Bệnh viện Nguyễn Trung Trực. Phía sau bệnh viện một đường nhỏ,vắng vẻ chạy song song với đường Phan Thanh Giản có nhà Vĩnh Biệt ( còn gọi là Nhà xác)
 
        Bên trái, song song với đường Phan Thanh Giản gồm các đường Nhà Đèn (tên mới Hoàng Thái Hiếu), Trương Vĩnh Ký, đường Đồng Khánh. Đường Trương Vĩnh Ký bắt đầu từ viện Dưỡng Lão qua đất Thánh Tây. Phố Bà Thông Vịnh tọa lạc giữa hai đường Hùng Vương và Hưng Đạo Vương. Đây là khu phố xây cất lâu đời, cư dân ở phố nầy gồm những người nổi tiếng một thời của tỉnh Vĩnh Long như: Ông Trần Văn Phong, giám học trường trung học tư thục Nguyễn Trường Tộ, trường nầy được phụ huynh học sinh công nhận là dạy giỏi, kỹ luật nghiêm minh. Thầy Huỳnh Tấn Sĩ dạy Anh Văn từ lúc trường trung học Nguyễn Thông mới khánh thành đến năm 1972. Thầy Trương Văn Tấn, hiệu trưởng trường tiểu học Ngô Tam Thông, con gái của Thầy bà Trương Ngọc Bích giáo viên trường Nữ Tiểu Học Vĩnh long, chồng bà Bích Ông Nguyễn Ngọc Long phó ty Giáo Dục Vĩnh long. Ông Đinh Thái Niên, phi công bị gảy chân vì tai nạn máy bay, lành bịnh ông vẫn kiên trì học hỏi thêm và đã đỗ bằng kỷ sư điện.

alt
( Bệnh Viện )
 
        Đường Hùng Vương nơi cư ngụ quí thầy: Phạm văn Còn, ông thanh tra Lê Văn Sâm, thầy Lê văn Sĩ dạy vẽ, thầy Dư Ngọc Tứ giáo sư trường trung học Nguyễn Thông. Có thể nói quí vị nầy là Thầy của Thầy, các vị dạy học lâu năm, đào tạo biết  bao nhiêu học trò. Đối diện với nhà các vị sư tổ có nhà các chị Nhan Thị Chung, Nhan Nguyệt Ánh, nhà anh Lý tất cả đều là giáo chức.
 
        Sân vận động Vĩnh Long ở giữa hai đường Hùng Vương và Trưng Nữ Vương, trước nó là trường Nữ Tiểu Học và ty Điện lực. Sau nầy sân vận động được dời về đường Nguyễn Huệ, cạnh trường Sư Phạm. Tòa Hành Chánh được cất lên chỗ sân vận động trước kia.
 
        Đường Trưng Nữ Vương, đoạn gần sân vận động có hai người đẹp nổi tiếng một thời: Cô Lucie Minh, và cô P. Nho. Cô Nho được xem như hoa khôi của trường trung học Nguyễn Thông. Bao nhiêu chàng rắp ranh bắn sẻ. Trong số đó anh Hồ Văn H. chiếm được cảm tình của người đẹp. Nhưng rốt cuộc thầy G. lại làm đám cưới với  cô Nho. Sau đám cưới của thầy G. đến  lượt thầy Ng., giáo sư trường trung học Nguyễn Trường Tộ cũng vầy duyên với học trò của mình. Thầy Phạm A T. rồi cũng theo bước chân của hai đàn anh. Mấy anh chàng thất tình âm thầm chờ hết niên học, nếu đủ mười tám tuổi thì ghi tên đi lính. Cánh nam sinh thường đùa với nhau: thầy G., thầy Ng. thầy T. Jouer Papa (chơi cha)

alt
  ( Tòa Hành Chánh )

        Trên đường Trưng Nữ Vương, gần sân vận động gọi là khu Vườn Còng vì hai bên đường trồng (hay mọc) nhiều cây còng, cành lá che mát lối đi. Nơi đây có trường tư thục Huỳnh Văn do ông Huỳnh Văn Cẩn làm Hiệu Trưởng. Xéo trường Huỳnh Văn là nhà cô giáo Trần Kim Lệ, dược sĩ Huỳnh Trúc Lâm, phòng mạch bác sĩ Quang
 
         Qua khỏi bịnh viện Nguyễn Trung Trực ta gặp nhà thuốc Tây Phan Thanh Giản, tiệm trồng răng Thuận Nghĩa Tường, nhà sách Minh Trí, tiệm vàng Võ Văn Nhạn, nhà sách Minh Lý phô tô Á Châu, trường trung học tư thục Long Hồ phía bên kia đường, bida Bảy Thế.
        Từ nhà thuốc tây Phan Thanh Giản, nếu thẳng ra sông Cổ Chiên ta gặp trường trung học tư thục Nguyễn Trường Tộ, trường này sát sông Cổ Chiên luôn bị đe dọa bởi sạt lỡ do tác động  xâm thực của nước sông gây ra. Phía trước tiệm Lê Công Danh bán văn phòng phẩm, tượng thờ, Xóm Đập.
 
        Đường Nguyễn Trường Tộ
 
 
        Đường Nguyễn Trường Tộ chạy cập bờ sông Cổ Chiên từ cổng trường đến cầu Cái Cá. Bên phải, ta gặp nhà các ông Nguyễn Hữu Nghĩa (Nghĩa Què) giáo sư trường trung học Bán Công Nguyễn Thông, ông Võ Văn Đại, hiệu trưởng trường Nam tiểu học Vĩnh long. Bên trái là nhà giáo sư Phan Phú Lộc, vợ ông Lộc bà Nguyễn Ngọc Lan giáo sư trường Tống Phước Hiệp, dược sĩ Võ Ngọc Lệ, nhà ông Giáo Nguyễn Văn Đặng (Ông Ba Đặng) và các con Nguyễn Văn Huê và vợ là cô Khiêm dạy trường Nam Tiểu Học, Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Văn Lắm là giáo sư trường Kỷ Thuật, Nguyễn Văn Vàng trung úy Hải Quân Trại Hàm Tử Vĩnh Long và vợ là giáo sư Lê Thị Kim Phượng dạy trường Nguyễn Trường Tộ và Kỷ Thuật.

alt
( Không ảnh con sông Cổ Chiên )
 
        Cách cầu Cái cá chừng một trăm thước ta gặp đường Võ Tánh. Đường  nầy tới cầu Bà Điều, ngôi nhà xưa bên trái là tư gia ông Võ Văn Châu, dân biểu. Con gái ông chị Bé, thủ quỹ kiêm phát ngân viên trường Bán Công Nguyễn Thông. Cặp bờ sông Cái Cá có nhà cô giáo Nguyễn Thị Son, thầy giáo Nguyễn Văn Trợ, cô giáo Nguyễn Thị Đương. Tại đây thêm một con đường nữa song song với đường Võ Tánh là đường Cổ Trì qua lò tương và khu chợ chiều tới đường Phan Thanh Giản, nếu tiếp tục lần  lượt tới nhà giáo sư Lưu Khải Gia, nhà bảo sanh cô mụ Chín, nhà thầy Giác giám thị trường Long Hồ, nhà thầy Trương Tuấn Kiệt. Từ cầu Bà Điều theo đường Võ Tánh ta tới nhà ông Lâm Phước Tàng, Chị Hương, cô Lan, ông Nguyễn Văn Cai tất cả đều là giáo chức, đến nhà thầy Nguyễn Văn Hết, rạp hát Lê Thanh, ngả tư Quốc Tế (ngả tư Võ Tánh Phan Thanh Giản được dân chúng gọi là ngả tư Quốc Tế).
 
        Tôi xin ít dòng nhắc đến một người mà ai ở Vĩnh long lâu đều biết: Anh Chín Khùng, tôi gọi anh theo thói quen lúc đi học, thực ra anh lớn hơn tôi ít nhứt cũng mười tuổi. Anh hiền lành, nói năng rành rẻ, suốt ngày anh vác cái lon có tra cán dài trên vai. Tới chỗ nào có cây anh dùng cái lon làm gàu múc nước tưới cây dù không ai sai bảo hay yêu cầu. Anh nhai trầu bô bô, lại còn hút thuốc nữa. Ai cho tiền đôi khi anh nhận, có lúc không. Anh nhận tối đa là năm cắc bạc, nhiều hơn cũng không lấy. Bọn trẻ chọc phá anh buồn buồn trả lời: Tao méc má cho coi. Năm 1968  quân Giải Phóng tấn công  Vĩnh Long và bắn chết anh. Dù không họ hàng thân thích nhưng mỗi lần nhắc đến anh tôi cảm thấy bùi ngùi.
 
         Cầu Lộ

Trên đường Phan Thanh Giản, qua ngả tư quốc tế ta đến nhà Thầy Nguyễn Văn Kỹ Mậu, tiệm vàng Hồng Quang, Cỗ Quốc Gia, Cầu Lộ, phía trái của đường Phan Thanh Giản, qua tiệm cà phê ở ngả tư, tới đường Cỗ Trì, tòa Giám Mục, đường Thoại Ngọc Hầu. Đường nầy tới nhà Đốc Phủ Thành, Thánh Thất Cao Đài, thẳng đến cổng sau trường Nam tiểu học, viện Dưỡng Lão, tới mặt trước của trường. Vừa qua khỏi vòng rào trường nó gặp đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường nầy qua trường Bán Công Nguyễn Thông, miếu Bảy Bà, ngả tư quốc tế, mặt khác nó tới Thánh Thất Cao Đài, rồi cầu Kinh Cụt. Trước khi lên cầu, nếu rẻ trái ta gặp con đường trải gạch song song với Kinh Cụt. Trên đường gạch,một dãy nhà khít vách nhau, mặt tiền nhà bám vào đất, mặt hậu lót ván làm sàn. Khu nầy có nhà thầy Thành và nhà thầy Nhi dạy nhạc.

alt
( Cây Da Cửa Hữu )
 
          Dốc cầu Kinh Cụt có hai lối đi: bên trái một dãy nhà ngói, lá xen lẫn nhau tới cầu Công Xi Heo; bên phải cặp sông Cầu Lộ, tới đình Tân Giai, rồi Cầu Vòng.

          Đường Phan Thanh Giản chấm dứt ở cầu Lộ, bên kia cầu  đến nhà đèn mới là đường Lê Thái Tổ. Cách cầu Lộ chừng một trăm thước ta tới đường Cái Cá dài non cây số dẫn đến xóm Bà Cai, trại Hải quân. Trên đường Cái Cá ta gặp rạp chiếu bóng Vũ Đông, nhà ông Chủ Ngọc, ông giáo Mai, thầy giáo Huệ, tư gia của thủ tướng Trần Văn Hữu, lò cốm Ba Thân.
 
          Ngay ngả ba Lê  Thái Tổ và đường Cái Cá có tiệm tạp hóa của Chú Kẹo, nhà thầy Cao Văn Thế, thầy Phạm Văn Thàn, giáo sư trường trung học Nguyễn Thông, tiệm mộc Trần Văn bên trái đường Lê Thái Tổ, một dãy nhà hình cánh cung, phía trước sát đường, phía sau là sông Cầu Lộ gồm tiệm Radio Sóng Việt, nhà thầy giáo Thụ, nhà ba chị em chị Thủy, cô giáo Phan Kiêm Loan, cô giáo Phan Kiêm Thành, hảng  cà rem Tuyết Hương, đường Quận Nghĩa. Đường này chạy cạnh sông Cầu Lộ đến cầu Ông Địa. Trên đường Quận Nghĩa có nhà bà Huỳnh Tư Múi, giáo sư trường trung học Tống Phước Hiệp, nhà ông giáo Tâm ( Tâm Quắn), tư gia ông Quận Nghĩa.
 

          Lê Thái Tổ
alt
( Đường Lê Thái Tổ )
        
          Trở lại đường Lê Thái Tổ, cùng dãy với cà rem  Tuyết Hương ta đến nhà cô giáo Song, nhà bà Thông Tiên, con trai bà là ông Phán Sanh, nhân sĩ, cháu nội:  chị Phan Nguyệt Vân, giáo sư trường trung học Tống Phước Hiệp, dược sĩ Phan Phi Hùng có nhà thuốc Tây ở San Jose, tiệm thuốc của thầy Tám Sự, con của thầy gồm anh Phạm Hữu Khoa thiếu tá Hải Quân, anh Phạm Hữu Châu, giáo chức, vợ anh Châu chị Trần Ngọc Liêng giáo sư trường Thủ Khoa Huân, các cô Lan, Hoàng đều là giáo sư. Qua khỏi nhà thầy Sự tới hẽm Cây Khế, rồi đường Huyện Cự. Cô giáo Thêu và chồng giáo sư Phạm An Tập ngụ ở đầu đường nầy, đi xa hơn nữa ta gặp dãy phố của cô giáo Ngô, nhà ông hiệu trưởng Nguyễn Văn Hổ, con gái thầy Hổ là cô Nguyễn Thị Bạch Tuyết cùng chồng anh Quân cũng là giáo chức, Ông Nguyễn Viết Cảnh ngụ tại ngả ba mang tên ông ( Ngả Ba Ông Cảnh). Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Kim Phụng ở bên phải đường Lê Thái Tổ. Trên đường ông Cảnh có nhà thầy giáo Nguyễn Văn Sang, ông đắc cử Dân  Biểu quốc hội VNCH khóa 1966, vợ ông cô giáo Nhung, thầy Nguyễn Tinh Bạch, giáo sư Thủ Khoa Huân trúng cử Nghị Viên Hội Đồng Tỉnh Vĩnh long năm1975. Vợ thầy Bạch cô giáo Chiêu , thầy Nguyễn Hữu Trí, hiệu trưởng trường tiểu học An Bình, ông Nguyễn Thành Nhạc, giáo sư triết trường Tống Phước Hiệp. Từ nhà thầy Trí tới cầu Cái Cá độ vài trăm thước, lại xuất hiện bốn người đẹp nổi tiếng một thời: chị Liệt, chị Oanh, chị  Vinh, chị Huê. Trong bốn chị có người đã mãn phần, ba chị còn lại tuổi đời cũng ngấp nghé tám mươi. Ngay dốc cầu Cái Cá một con đường đất nhỏ chạy cặp bờ sông Cổ Chiên ta tới ngôi nhà xưa, trước cửa vài cây mận ngã ngọn ra sông, đó là nhà ba má chị Lê Thị Xuân Hồng . Ông Bà nuôi cơm tháng cho các học sinh xa nhà, trong số các trú sinh có người sau nầy đã đỗ đạt làm nên sự nghiệp.

alt
( Nhà Thờ Chánh Tòa )
 
        Tiếp tục lộ trình ta đến nhà thầy giáo Thảnh rồi Xóm Bún, miếu thờ Cá Ông. Cư dân  xóm nầy làm nghề hạ bạc (chài lưới). Họ tin rằng mỗi khi gặp giông bão, sóng to gió lớn cá Ông sẽ đưa thuyền của họ vào bờ an toàn. Vì vậy mỗi khi gặp cá Ông chết (cá Ông lị) tấp vào bờ, dân chài lưới làm lễ an táng cho cá rất trọng thể, người phát hiện  xác cá đầu tiên phải để tang, mặc hiếu phục y như nghi thức phải có lúc ông bà cha mẹ qua đời. Gần miếu một tịnh xá nhỏ dành cho các Nữ Tu. Kế tiếp là trạm xăng. Ngả Ba Cần Thơ đây rồi.
 
        Ng
ã Ba Cần Thơ

alt
(Ngã Ba Cần Thơ)
 
         Năm 1960, ty Công Chánh xây tại ngả ba nầy một bồn bông hình tròn, có các mũi tên chỉ đường đi Sadec, Cần Thơ và mũi tên chỉ đường vào tỉnh lỵ.Trước năm 1968 chánh quyền phá bồn bông lập tượng đài ghi nhớ công ơn của Quan Kinh Lược sứ Phan Thanh Giản.
 
          Ngay tượng đài, đưa mắt  nhìn về tỉnh lỵ gần nhà ông Nguyễn Viết Cảnh là nhà thờ Chánh Tòa Vĩnh Long thật khang trang, kế tiếp là ty Thú Y, bến xe đò Vĩnh long đi Sài gòn và các tỉnh, quận. Đối diện với ty Thú Y, một dãy phố mới xây cất cho thương mại gồm: phòng trồng răng Phạm Thành, tiệm bán xe đạp, tiệm chụp hình.
 
          Cầu Bắc Mỹ Thuận
 
          Theo hướng chỉ của mũi tên ta đi về Cầu Bắc Mỹ Thuận. Từ Cầu Bắc đến tòa Giám Mục đoạn đường dài độ chin cây số, dân cư thưa thớt, nhưng Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ gọi là “Xa Lộ Công Danh” trong hồi ký “Tôi Phải Sống”của ông. Tiến về phía trước, bên tay phải, có căn cứ Hải quân, tiệm sửa xe đạp Thúy Khoa, phòng trồng răng Nguyễn Văn Tư, nhà máy xay lúa, gạo Khánh Phong, cầu Bình Lữ (cầu Tân Bình). Phía đối diện trước tiên là trạm xăng, dãy phố của ông Phúc Hưng, tiệm bà Nguyễn  thị Nhứt, tiệm hủ tiếu ông Bảy Cu. Qua cầu Bình Lữ chừng một trăm thước ta gặp con đường nhỏ trải đá dẫn đến trường tiểu học Tân Bình, trên đường Lê Thái Tổ, ta tới nhà thầy Trần Văn Thọ, ông Thanh Tra Lê Văn Hòa, các vị giáo sư Võ Hòa Hài, Lê thị Liêm, ông bà giáo Nguyễn Văn Phước tự Giáo Tám, Lê Thị Khiết, ông Nguyễn Văn Hóa, Hiệu Trưởng trường tiểu học Tân Bình và vợ bà giáo Hạnh, ông giáo Thạnh, ông bà giáo sư Tỏ, Mộ ông Phán Nuôi, trung tâm Hướng Nghiệp, nhà đèn mới. Bên phải Xa lộ Công Danh, bắt đầu từ cầu Bình Lữ tới nhà thờ Tin Lành, đình Tân Bình, nhà ông Lê Văn Kỉnh (ông quan một Kỉnh), chị Lê Thị Ánh, con ông Kỉnh, giáo sư trường Tống Phước Hiệp, cô Lê Thị Trọng giáo viên trường tiểu học quận Chợ Lách, nhà ông Lâm Thành Châu, Hiệu Trưởng  trường tiểu học Phú Quới, thầy giáo Phối, con thầy chị giáo Dung, thầy Khương, chị Lữ Kim Sen, Lữ Kim Lan, hai chị em đều là giáo chức, giang cảng, lò gạch Tân Thành, hảng nước mắm Việt Hương, cầu Cái Cam, cầu Cái Côn, cầu Cái Đôi, cầu Huyền Báo, bắc Mỹ Thuận; nếu đi thẳng lần lượt tới Cái Tàu, Mù U, Cái Xếp, Nha Mân…Sa đéc.

alt
     (Bắc Mỹ Thuận)
 
           Đường Nguyễn Huệ
 
         Trở lại ngả ba Cần Thơ với đường Nguyễn Huệ. Đường Nguyễn Huệ bắt đầu ở ngả ba Cần Thơ tới cầu Tân Hữu. Từ cầu Tân Hữu đến Cái Vồn nó mang tên Quốc Lộ 4. Gần bến xe Vĩnh Long có hai dãy phố lầu: một dãy ngang và một dãy dọc cùng chiều với đường Nguyễn Huệ. Phía sau lại thêm hai dãy phố trệt cũng theo hướng  Vĩnh Long Cần Thơ. Tất cả phố xá vừa kể nghe đồn là của Giám Mục Ngô Đình Thục. Phố lầu mặt tiền để cho các tiểu thương thuê làm chỗ buôn bán, mở tiệm như: tiệm Kiến Phát, tiệm hớt tóc, tiệm Đồng Giang,Thanh Hồng, nhà thuốc Tây Cao Thái Hoành, tiệm thuốc bắc Vĩnh Thành.
 
            Hai dãy phố trệt phía sau đa số do các công chức thuê mướn làm nhà ở chẳng hạn như: nhà cô giáo Nguyễn Thị Đầm và chồng anh Trực, y tá, gia đình anh Ba Thoại, y tá, thầy Lê Văn Đáng, Nguyễn Văn Khoắn, giáo sư Nguyễn Tấn Đạt, giáo sư Trần Văn Thạnh, giám học trường Thủ Khoa Huân cũng cư ngụ ở đây. Qua khu phố trệt, Đại chủng viện Xuân Bích, đến dãy phố công chức. Quí ông Hồ quang Nghiệp, trưởng phòng hành chánh tỉnh Vĩnh long, ông Nguyễn Tấn Nghiệm, giáo sư, ông Võ Văn Lạt hiệu trưởng trường Bán Công  Nguyễn Thông đều ngụ ở phố công chức nầy. Tiếp theo là trung tâm Nhân Vị, trường trung học Kỹ Thuật, trường Sư Phạm, sân Vận Động Vĩnh Long, tới nữa là khuôn viên nhà thầy Phạm Văn Tệt, lò bánh mì Lộc Hưng, tư gia ông trưởng ty Điền Địa, cầu Tân Hữu.

alt
(Bến Xe)

 
            Đối diện với tiệm Thanh Hồng và Đồng Giang là chợ Tân Bình khá sầm uất. Trên lầu chợ có quán  Ba Vị chuyên bán bò Lúc Lắc cho dân nhậu. Hôm nào cao hứng ông Ba Vị biểu diễn tài chiên thịt bò độc đáo của ông. Đứng nhìn ta có cảm tưởng thịt bò đang nhảy múa quanh lửa hồng trên chảo, đến khi thịt rơi xuống chảo cũng là lúc ông trút nó vào dĩa và bưng ra cho khách thưởng thức. Gần chợ Tân Bình có đường nhỏ đến am Cô Chín, cạnh đó là trại gà của ông Năm Kệ. Kế đến  dãy phố Song Lập do chánh quyền xây cất và bán trả góp cho Quân, Cán Chính trong tỉnh nếu họ cần chỗ ở. Một số đồng nghiệp của tôi cũng mua nhà ở phố Song Lập này như giáo sư Quách Hữu Phước, giáo sư Vũ Đình Nghị, ông Đỗ Văn Ba, nhân viên tòa án, ông bà giáo Huỳnh Thanh Tòng Trần Thi Dinh, ông bà giáo sư Hạnh dạy vẽ, ông bà giáo Võ Văn Tư tự Tư Giò, ông Nguyễn Thanh Phong, tổng giám thị trường Thủ Khoa Huân, bà giám thị Phạm Kim Tuyên, ông Nguyễn Ngọc Bữu, giáo sư Thu Khoa Huân, ông Nguyễn Văn Ca, Hiêu Trưởng trường trung học Phú Quới, ông bà giáo Nguyễn Văn Thành Nguyễn Thị Nga, ông Nguyễn Trọng Hóa giáo sư trường Sư Phạm, tư gia ông Nguyễn Văn Đăng, quận trưởng quận Châu Thành tỉnh Vĩnh long.

alt
(Trường Kỹ Thuật)
 
             Qua cầu Tân Hữu chừng một trăm thước, rẻ trái có con lộ đến Cầu Vòng, ngả ba Chiều Tím, cầu Ông Me, Chợ Ngả Tư. Trước khi đến Cầu Vòng, bên trái là quận Châu Thành, công sở xã Tân An, bên phải là khu Phước Thọ. Trên Quốc Lộ 4, bên trái là khu Quân sự, nhà ông Nguyễn Hữu Chánh Hiệu Trưởng trường Nam trung học Thủ  Khoa Huân, nhà giáo sư Hồ Văn Chính hiệu trưởng trường trung tiểu học Long Đức, cô Hai Paris, giám thị trường trung học Tống Phước Hiệp, ông Lâm Tòng Vân, ông Châu Văn Phước và bà Huỳnh Thị Tám đều là giáo chức Vĩnh Long. Phía sau Quốc Lộ 4 còn một dãy phố trệt mặt tiền hướng về sông Cầu Vòng, chị Bùi Thị Hừng ngụ ở phố này.
 
         Cách dãy phố trệt một con đường nhỏ là tư gia bác Phan Văn Tám, quán Giáo Năng, nhà  ông bà giáo Nguyễn Văn Tể Nguyễn Kim Yến, khu pháo binh, trường Trung Học Thủ Khoa Huân (khai giảng 1969). Khỏi Thủ Khoa Huân một đổi đến hảng nước mắm của thầy giáo Khuê, cầu Đường Chừa, cầu Cống, Cầu Đôi, cầu Cái Rô, Cầu Bà Lang, Ba Càng , Cái Vồn, Cầu Bắc sau thành Cầu Bắc Cần Thơ.
 
   
Viết xong ngày 8 tháng 6, 2011
 
Nguyễn Thanh Sơn
( Cựu Giáo Sư & Giám Học Trường Nguyễn Thông )

* Ảnh do Ban Biên Tập tongphuochiep.info sưu tầm trên Internet.

 

Hết

Comments  

#1 câu hỏiVINH 2018-10-12 16:23
CHO TÔI HỎI TRƯỜNG TIỂU HỌC NGÔ TAM THÔNG CÓ PHẢI LẤY TỪ TÊN NHÂN VẬT NGÔ TAM THÔNG . NẾU PHẢI XIN HÃY CHO TÔI BIẾT VỀ NHÂN VẬT NÀY. CẢM ƠN
Quote

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.