TKH - banner 02

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 1 / 5

Star ActiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

         Cầu Lầu

alt
( Cầu Lầu )
    
          Từ góc đường Gia Long và Pasteur là đường Tống Phước hiệp, chạy dài đến ngả tư Cầu Lầu, rẽ trái là Cầu Thiềng Đức, rẽ phải là đường Đồng Khánh.  Phía trước là Cầu Lầu, con đường nối tiếp Liên Tỉnh Lộ Vĩnh Long -Trà Vinh là đường Văn Thánh, cách cầu chừng vài trăm thước về phía tay phải là nhà cô Ngọc và cô Châu, hai chị em cô thuộc hàng hoa khôi của Vĩnh Long thời bấy giờ. Đối diện là nhà ông Trần Hoàng Vĩnh, giáo chức, sau về làm việc ở Nha Du Học, gần đó ta tới ngôi chùa cổ Giác Thiên, trại cưa Hiệp Phát, đi chừng ba trăm thước ta gặp cái hẻm phía tay trái cạnh Kho Dầu Cũ, đường vào nhà Phó Tổng Thống Trần Văn Hương, ngôi nhà ngói, vách tre, cửa hướng ra sông Thiềng Đức. Nếu không có bà con lối xóm cho biết khó ai tin đây là nhà của vị Phó Tổng Thống của nước Việt Nam thời Đệ Nhị Cộng Hòa.

alt
    
           Văn Thánh Miếu do quan Kinh Lược Sứ Phan Thanh Giản xây cất để thờ Đức Khổng Tử, mặt khác nhằm động viên tinh thần trung quân ái quốc của giới Sĩ phu và dân chúng trước họa xâm lăng của đế quốc Pháp.
    
            Nhà của các bậc giáo chức ở trên con đường Văn Thánh.
    ,       Giáo Viên và Giáo Sư : cô La Thị Tuyết  và La Thị Hạnh (dạy trường Trung Học Nguyễn Trường Tộ) nhà cạnh chùa Giác Thiên, cô giáo Thinh nhà sau chùa Pháp Hải, Thầy Viễn, cô Đỗ Thị Thiệp và chồng là thầy Huệ nhà ngang Kho Dầu cũ, cô Lê Kim Xuyến, cô Lê Kim Phương và  cô Lê Thị Kim Phượng( dạy trường Kỷ Thuật và Nguyễn Trường Tộ) nhà đối diện nhà xe Vĩnh An chạy đường Vĩnh Long Trà Vinh, cách vài căn là nhà Thầy Đẹp dạy Nguyễn Trường Tộ, Cô Tuyết, Thầy Kiếm, Thầy Võ Hoà Hài  và thầy Võ Kỳ Duyên nhà ở cạnh bờ sông. Qua khỏi Miếu Văn Thánh nhà của Thầy Sĩ dạy trường Tống Phước Hiệp và vợ là cô Anh dạy trường Kỷ Thuật. Thầy Thái dạy trường Kỷ Thuật, và vợ là cô Thủy. Cô Giáo Anh nhà qua khỏi cua Long Hồ.

alt

( Văn Thánh Miếu )
      
           Nhà ông Hiệu trưởng Đoàn Văn Sang cũng ở khu nầy. Thầy Sang trước kia là Hiệu trưởng Nam Tiểu học tỉnh Vĩnh Long, khi về hưu thầy vẫn miệt  mài đọc sách báo. Năm 1973-1975 thầy dạy ở trường trung học Nguyễn Thông, bấy giờ nếu ai đã tiếp xúc với thầy đều công nhận thầy có tầm hiểu biết rất uyên bác.

          Qua khỏi nhà thầy Sang đến cua Long Hồ, ngả ba Cầu Vòng, cầu Ông Me. Trước khi lên cầu ta thấy con đường đất rợp bóng dừa bên tay phải đó là đường dẫn tới xã Phước Hậu, theo bà con cho biết nhà Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Lộc ở trên đường nầy.
    
           Cầu Vòng
alt
    
          Bây giờ ta theo đường Cầu Vòng trở về tỉnh. Phía trước là nga ba Chiều Tím. Rạch Cái Trê chạy song song với con đường nhỏ ta đang dấn bước, rạch nầy chảy qua Cầu Lầu rồi đổ ra sông Thiềng Đức. Trên đường bộ ta lần lượt tới nhà ông giáo Nguyễn Quang Chiếu, chùa Tịnh Độ, nhà chị Trương Kim Cúc, giáo viên, Tổng Hành Dinh của quân đội Cao Đài trước khi giải thể. Ngôi mộ sát đường là mộ ông Lê Minh Trí, người sắp sửa nhận chức Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục, chết một cách khó hiểu, đã được chôn ở đó.
    
          Phía trước là cầu Công Xi Heo có rạch nhỏ dẫn nước từ rạch Cái Trê đến cầu Kinh Cụt, đổ ra sông Cầu Lộ và ngược lại. Nhà bảo sanh Đức Hưng cách cầu Công Xi Heo độ năm mươi thước, chị Đức chủ nhà bảo sanh là cháu cô Ba Hưng tức bà Hồ Thị Hưng giám thị trường trung học Nguyễn Thông. Chồng cô Ba Hưng Ông Chấn đã từng du học Pháp, có tư tưởng tả khuynh, về nước dường như ông mắc bịnh tâm thần, cứ mỗi trưa ông bắc ghế ra phía hông nhà diễn thuyết dù không có ai nghe.
    
          Xéo cửa Đức Hưng là đất Thánh Ta ( An Nam ), năm 1956 chính quyền giải tỏa nghĩa địa này..
    
         Đường Đồng Khánh
    
         Chúng ta vừa bước vào đường Đồng Khánh, phía trước đường này bị cắt  ngang bởi đường Nguyễn Thái Học, đường này dẫn đến viện Dưỡng Lão. Đầu đường Nguyễn Thái Học có nhà ông Đinh Văn Thiệt trưởng ty Giáo Dục Vĩnh Long, khuất trong hẽm là nhà ông Lê Văn Nhàn, nhà Dịch Lý nổi tiếng. Ông xuất bản nhiều loại sách về bói toán, sách coi ngày giờ gã cưới v,v v. Ông Nguyễn Văn Điếu, hiệu trưởng trường Nam Tiểu Học ngụ ở cuối đường nầy.
           Đi thẳng về phía trước, ta gặp ngả tư Đồng Khánh, Trưng  Nữ Vương. Ở góc trái một biệt thự xưa xây cất theo lối kiến trúc Tây phương xung quanh có hàng rào sắt, đó là tư gia của bác sĩ Quang, cầu sắt bên phải là cầu Khưu Văn Ba. Từ cầu Khưu Văn Ba nếu rẻ phải chừng một trăm thước ta gặp nhà Ông giáo Nguyễn Hữu Tạo rồi đến nhà ông Nguyễn Hữu Thậm cũng là giáo chức; nếu rẻ trái, ta đến xóm Lò Rèn, chợ chiều Cầu Lầu. Tiếp tục theo đường Đồng Khánh ta gặp chùa Tịnh Độ do ông Võ Văn Châu xây cất, nhà thầy Phạm Duy Minh ( biệt danh thầy Minh Trầu) , trường trung học Lam Sơn do thầy Lê Ngũ Sao làm Hiệu Trưởng, nhà thầy Trần Văn Bảo giáo sư trường trung học Nguyễn Thông, nhà Đốc phủ Báo ,nhà cô giáo Kiết sát mé rạch Cái Trê.
    
           Cách nhà cô Kiết vài căn, một dãy bốn nhà ngói liền vách, tường gạch, cửa hướng về rạch Cái Trê. Căn nhà đầu của bác xã Huệ, người làng Lộc Hòa, căn cuối của bác Phan Văn Tám, một nghiệp chủ cùng quê với tác giả. Ông bà Phan Văn Tám có đủ con trai và con gái. Con gái lớn của bác cô Phan Thúy Hòa  là bạn học của tác giả, cô em kế Phan Thúy Hồng rất “ lịch sự” ( tiếng miền Nam có nghĩa là rất đẹp) văn hay chữ tốt, nhưng về mặt tình duyên khá lận đận, cô thứ tư Phan Thúy Lan, giáo sư Việt Văn, cô Phan Thúy Nga  cũng là giáo chức, cô Phan Thúy Vân, công chức. Phía trước dãy phố bốn căn, trên đường Đồng Khánh có nhà thầy Tư Thinh, ông Tư Thinh bị phế tật, người nhỏ như em bé bảy tám tuổi, tuy vậy ông cũng có tài đặc biệt: coi chỉ tay, dạy Pháp văn cho những ai cần học..Qua khỏi nhà thầy Tư Thinh, ta gặp ngả tư Đồng Khánh và Tống Phước Hiệp, cây cầu trước mặt  là cầu Thiềng Đức.
    
         Cầu Thiềng Đức
    
          Cầu Thiềng Đức xây cất từ bao giờ tôi không rõ, chỉ biết cầu hiện diện khi tôi còn là chú bé bốn năm tuổi. Lúc đó tôi đi bộ trên cầu với tâm trạng phập phòng lo sợ, sợ bị lọt chân xuống kẻ hở của hai tấm ván lót cầu.
    
           Trên cầu Thiềng Đức đi thẳng là đường Công Thần, độ ba trăm mét, ta tới nhà ông Phán Hiển, đi thêm nữa sẽ gặp chùa Sơn Thắng, trường trung tiểu học Long Đức, bến đò Cổ Chiên còn gọi là bến đò Đình Khao xuôi về Chợ Lách. Theo Việt Nam Sử Lược, bến đò Đình Khao, nơi xãy ra trận hải chiến kinh hồn giữa quân ta đời Tây Sơn và quân Xiêm La (Thái Lan). Biết bao chiến sĩ của ta và địch tử trận tại dòng sông nầy, oan hồn chưa siêu thoát, nên những hôm trời giông bão, trong tiếng gầm thét của sông Cổ Chiên, người ta như nghe văng vẳng có tiếng chiêng trống xa xa, liên hồi như thể hai bên đang  xáp chiến.

alt
    
          Ở dốc cầu thiềng Đức nếu rẻ trái là đường Lê Minh Thiệp, đi một quãng ngắn ta gặp nhà ông Thanh Tra Phan Văn Diệp. Ông là nhà giáo lâu năm ở tỉnh, người hiền lành phúc hậu. Con trai, con gái, dâu rể của ông đa số là giáo chức.
    
          Gần nhà thầy Diệp là nhà bà Châu Ngọc Sương hiệu trưởng trường Nữ Tiểu Học Vĩnh Long, chồng giáo sư Diệp (mắt kiếng), đến nhà ông bà giáo Nguyễn Chư Tôn và Nguyễn Thi Nhân, rồi nhà ông Trần Văn Điểm, nhà ông Nguyễn Văn Lộc và vợ bà Kim Cúc đều là giám thị trường Thủ Khoa Huân, Đại học Vạn Hạnh.

            Nếu rẻ phải là đường Trương Tấn Bửu, ta thấy một nhà ngói xưa của thân mẫu Thầy Phan Thông Thảo, giáo sư trường trung học Tư Thục Long Hồ, sau nầy là giáo sư Đại Học Vạn Hạnh. Chùa Ông, thờ Đức Quan Thánh, nhà thầy Phạm Duy Mẫn, con gái của thầy, chị Lang và chồng  anh Liên đều là giáo chức. Đối diện nhà thầy Mẫn là nhà anh giáo Nguyễn Thế Gia, thầy Nguyễn Văn Nhứt, bác sĩ Khương Hữu Long, nhà ông thanh tra Ngô Mười Một, vợ ông bà giáo Lâm Thị Tòng. Phía trái trên đường  đi ta đến trường tiểu học Thiềng Đức. Từ đây trên đường là vườn cam quít, khu nầy toàn nhà ngói, trước cửa mỗi nhà chưng bày những chậu kiểng quí giá.. Điều đó cho biết cư dân ở đây toàn người giàu có hoặc khá giả. Thật vậy vừa xuống dốc Cầu Kè ta gặp gia tộc họ NHAN. Họ Nhan vừa giàu vừa có danh vọng, tiếp đến gia tộc họ MAI. Người nổi nhất họ Mai có tướng Mai Hữu Xuân, ông Mai Phùng Võ một nhân sĩ.


Nguyễn Thành Sơn
( Cựu Giáo Sư & Cựu Giám Học trường Nguyễn Thông)

* Ảnh do Ban biên tập tongphuochiep.info sưu tầm trên Internet.


(Tiếp Phần 3)

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.