TKH - banner 07

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 
 

     Từ khi định cư ở Mỹ, tôi không còn ham thích nuôi chó nữa. Hình ảnh hai con chó già trung thành của gia đình tôi run rẩy vì đói ăn, chết dần khiến ai cũng mủi lòng, riêng tôi cảm thấy như mình cũng ít nhiều tội lỗi đã gián tiếp mang đến sự đói khát khiến cho hai con vật suốt đời tận trung với chủ phải chết tức tửi.
 
 
 

    Năm 1964 gia đình chúng tôi dời về tỉnh Vĩnh Long, tôi xin được hai con chó về nuôi. Dường như là một thói quen, trong nhà vắng tiếng chó chừng ít tháng, chúng tôi cảm thấy như thiếu thốn một cái gì đó, rồi bằng mọi cách hoặc xin, hay mua để có tiếng sủa chó cho vui cửa vui nhà. Vào lúc nầy, cuộc chiến tại Việt Nam càng ngày càng khốc liệt, những vùng bất an ninh quân "Giải Phóng" ra lịnh diệt chó. Hai con Phèn về nhà và làm bạn với các em tôi. Phần tôi không đủ thời giờ săn sóc, chỉ lâu lâu vuốt ve, hoặc rổi rảnh thì tắm rửa cho chúng. Có lẽ tôi có tay nuôi chó, con nào vào nhà tôi đều trở nên khôn  ngoan, dễ dạy.

    Trong những năm này, tôi đi dạy học xa thành phố, chỉ về nhà dịp cuối tuần hoặc ngày lễ, kế đến phải vào quân ngũ. Nhà cửa giao cho bà xã và các em còn nhỏ dại. Nhà tôi cách xa những nhà khác gần cả trăm mét. Đó là vùng đất mới xây cất nên nhà cửa  thưa thớt, vắng vẻ, hai con chó làm cho cả nhà yên tâm. Ban ngày, chúng chỉ đưa mắt nhìn khách qua đường với vẻ thờ ơ, trái lại đêm xuống, gần như cả hai đều canh chừng nhà cửa một cách kỹ lưỡng. Nghe tiếng người qua lại trước cổng, hai con chó phía trong rào đảo mắt, nghếch mũi canh cho đến khi khách qua khỏi mới thôi. Mấy đứa nhỏ trong xóm hay chọc phá, khi đi ngang nhà vói tay rung hàng rào, hai chú chó gầm gừ dữ tợn như hù dọa khiến bọn trẻ sợ chạy xanh mặt...

     Một điều kỳ lạ là hai con Phèn dường như có trí nhớ rất tốt. Những người bạn thường đến nhà chơi, vừa tới cửa, chúng chạy ra nhìn mặt, rồi vẫy đuôi tỏ vẻ thân thiện, những khách ít đến, chúng nhận diện, không sủa, nhưng vẫn canh chừng đến khi có người trong nhà ra tiếp, chúng mới yên tâm bỏ đi nơi khác. Mấy ông bạn thường đùa:

     - Hai con chó của ông dường như biết tên tôi. Nếu nói được chúng dám chấp tay chào Bác mới đến lắm à!

     Thời gian ở trong quân đội, có lần tôi mặc nguyên đồ nhà binh về thăm gia đình, tội nghiệp hai chú chó nhìn tôi ngỡ ngàng, khi tôi đã vào hẳn trong nhà, chúng lẩn quẩn theo  như  ngạc nhiên tự hỏi sao chủ mình lại ăn mặc kỳ lạ quá. Và cũng kể từ ngày đó mỗi lần có lính đi hành quân ngang qua cửa chúng không còn sợ hãi như trước kia.

     Khi còn nhỏ tôi thích lội ruộng bắt chim, bắt cá, săn chuột, vì vậy các con chó tôi nuôi đều là những con bắt chuột giỏi. Còn hai con Phèn nầy vì nhà ở gần chợ, hơn nữa tôi không rảnh rang để tập chúng săn bắt chuột, do đó tôi cứ đinh ninh tụi nó chỉ biết giữ nhà.
 
 
 

     Rồi tôi được biệt phái về dạy học lại, những năm trong quân đội, rày đây mai đó, cuộc sống lúc nào cũng căng thẳng giữa sống và chết, tương lai sự nghiệp chỉ là hai bàn tay trắng. Gia đình con cái càng ngày càng lớn, nghề dạy học chỉ đủ sống tạm bợ qua ngày. Bây giờ cởi áo lính, khoác áo dân sự, rảnh rổi, tôi cũng bắt chước mọi người: cố làm cái gì cho gia đình. Tôi lập chuồng trại để nuôi gà công nghệ. Chuột vào chuồng cắn giết gà con mang đi. Một đêm nọ chuột   tha đi gần chục con gà. Tôi tức tối tìm phương cách để giết chúng. Tôi dự định sẽ mua thuốc diệt chuột, nhưng còn đắn đo sợ sẽ làm hại đến các con chó, mấy con gà nòi nuôi thả ngoài vườn.

     Sáng hôm sau, tôi đi một vòng quanh các chuồng và phía sau nhà tìm xem chuột ở nơi nào vào nhà bắt gà. Hai chú phèn theo sát chân, tôi ngạc nhiên xiết bao khi có chín mười con chuột bị cắn đầu, cắn cổ, bỏ dài trên bờ đất cận nhà. Nhìn sơ qua, tôi biết đây là thành tích của hai con chó cưng. Tôi vuốt đầu chúng tỏ ý khen thưởng. Hai con chó dường như vui thích lắm. Tối hôm sau thì  đàn gà ngủ êm không còn hoảng loạn như đêm trước nữa. Tội nghiệp chắc hai con chó phải rong suốt đêm canh bắt đám chuột.

     Còn một chuyện nữa tôi muốn kể ra đây để ghi công hai con vật thân thương. Vài năm sau, trại gà của tôi thu gọn dần vì lỗ lã.. Tiền bạc gầy dựng tiêu tan, nợ nần chồng chất, một đêm tôi ngồi uống trà với người bạn nói chuyện giải sầu, thình lình, con chó phèn lớn chạy vào cắn ống quần tôi kéo ra ngoài, còn con  phèn nhỏ sủa gâu, gâu khác thường. Tôi linh cảm có chuyện không hay. Tôi đứng dậy rút cây sắt gài cửa cầm tay, anh bạn bưng đèn theo sau. Trăng mờ mờ đủ cho tôi thấy một con rắn hổ đen xì, bị con phèn nhỏ sủa chận đầu. Tôi lập tức khện cho con rắn một cây ngay cổ, đồng thời bồi thêm vài cây nữa cho chắc ăn. Con rắn dài hơn sải tay, nặng chừng hai kí. Tôi cắt đầu rắn đem chôn, vì theo truyền thuyết nói rằng rắn hổ nếu không chôn đầu nó sẽ báo thù. Đúng sai tôi không có thì giờ tìm hiểu chỉ biết sẵn xẻn, đào một lỗ băm cái đầu rắn bỏ xuống lấp lại cho an toàn. Nhân tiện tôi và ông bạn đốt lửa thui da, làm sạch sẽ cho bà xã chặt xào và nấu cháo đậu xanh. Cả nhà ăn một bữa cháo rắn  ngon, bổ, mát. Phần tôi và ông bạn phải chạy  lại tim xách  ít chai bia về vừa thưởng thức cháo  vừa nhâm nhi cho đời bớt tẻ nhạt. Hai con chó có công lớn cả nhà ai cũng nhớ và chúng cũng có phần hậu hĩ.
 
 
 

    Trước năm 1975, ở Việt Nam tôi cũng như bao nhiêu người khác nuôi chó không nhiều thì ít cũng có hậu ý vụ lợi: có người nuôi chó cho vui cửa, vui nhà, đi đâu về không con cháu  thưa  thốt thì chó chào mừng cũng vui, cũng là niềm an ủi; kế đến có hạng người nuôi chó để giữ nhà, đêm hôm tăm tối canh chừng trộm đạo; dân ở đồng quê còn nuôi chó để săn bắt chuột; một số người khác ngòai những mục đích trên họ còn chú trọng vào việc nuôi chó để ăn thịt. Năm 1967, tôi đến công tác ở một xã của quận Ba Tri (Bến Tre) gần như dân trong xã nuôi chó để làm thịt. Độ năm ba bữa thì nhà nầy thịt một con chó, mấy nhà gần đó lại chia phần, hết nhà này tới nhà khác cũng giống như vùng quê tôi nuôi heo làm hàng vào dịp Tết (ngày hai mươi chín hoặc ba mươi tháng chạp âm lịch,vì ở xa chợ, nên một hay hai nhà làm thịt heo, hàng xóm mỗi nhà chia một hay hai ký thịt. Họ có thể trả bằng tiền, lúa mùa, bằng công gặt, công cắt lúa. Những người phụ cạo heo thì cùng nhau hưởng nồi cháo lòngvới rượu đế).  Tôi hỏi họ sao không nuôi heo mà nuôi chó để làm thịt?  Họ trả lời:

    - Nuôi heo phải lo bữa ăn cho nó, tốn kém lắm, nuôi chó chỉ tốn thức ăn khi chúng còn nhỏ, lúc lớn tự chúng lo thân, mình vừa có thịt ăn lại ít tốn tiền nuôi. Tôi đại kỵ việc ăn thịt chó, bà con ở đây giải thích cũng hợp tình hợp lý, vã lại tôi không có quyền xen vào đời sống riêng tư của họ nên đành chào thua mặc dù trong lòng vẫn ngậm ngùi thương cho những con vật hết lòng trung thành như loài chó phải hy sinh oan uổng vì thói quen của một nhóm người.

    Không ăn thịt, đối xử tốt với các con vật thân yêu, nhưng thực tình mà nói, tôi chưa hoàn toàn để ý đến chúng. Khi đói tôi cho ăn, ngoài ra ít khi tôi để tâm săn sóc. Chúng bịnh hoạn, tôi vẫn phớt lờ để mặc chúng tự sinh tự dưỡng (hồi nhỏ, chỉ một lần tôi chở con Vện đến nhà thầy thuốc khi nó bị rắn hổ cắn lúc  đi bắt chuột với tôi cũng may là con Vện có bớt ở lưỡi nên rắn cắn  không chết).
 
 
 

     Ôi ở bên Mỹ này nuôi chó tốn kém đủ thứ nào là chích ngừa, chó biếng ăn cũng mang đến cho bác sĩ săn sóc v v.. Con chó ở Việt Nam đã cơ cực, ăn uống kham khổ, ngày đêm giữ nhà giữ cửa cho chủ, đã vậy mà chủ còn xem như là món ăn hễ khi nào cần thì đập đầu làm thịt không thương tiếc. Chủ thì như thế, người lối xóm cũng xem chó là nguồn thực phẩm, nên ngày nay nạn trm chó xảy ra khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Thương thay thân phận con chó ở xứ mình.

      Lúc giặc giã xảy ra, phần lớn người ta lo cho con cái, anh em, bà con chư ít có ai trong chiến tranh lại dắt chó cùng lánh nạn. Hai con Phèn cũng không ngoại lệ, Tết Mậu Thân chiến tranh xảy ra trong thành phố, khu nhà tôi cũng bị pháo kích. Gia đình tôi chạy loạn, quên đi hai con Phèn, thậm chí năm bảy ngày sau về thăm nhà thấy hai con Phèn chạy ra mừng rở thì biết rằng chúng còn hiện hữu, chứ không tìm hiểu xem lúc súng nổ chúng ẩn núp ở đâu? Sự kiện trên cho thấy tôi coi tính mạng hai con vật cưng không mấy quan trọng. Có lẽ tập quán dân Việt vào thời buổi đó là vậy, ít ai làm khác hơn. Sáu năm sau một tiểu thư con một đại quan nào đó ở miền Trung, trong lúc dầu sôi, lửa bng di tản bằng máy bay vẫn cố dành cho con chó của cô một chỗ, trong khi số đông đồng bào tiu nghĩu, muốn đeo càng máy bay cũng không được. Chó nhà quan mạng sống vẫn quí hơn mạng của người bình thường!
 
 
 

     Năm 1972  đang ở nhà, một đêm nọ bị pháo kích, các con và em út tôi đã xuống hầm trú ẩn. Xuống hầm xong lại nghe, con phèn lớn (còn ở ngoài) cào cửa dữ dội, tôi làm biếng  mở cửa vì nghĩ không có gì quan trọng. Nhưng tiếng gào của nó càng ngày càng lớn, nghe như lời van xin thảm thiết. Tôi đành phải mở cửa, con Phèn phóng vụt vô và chui tuốt xuống hầm. Nó cố chen thật sâu vào trong thân mình run rẩy chứng tỏ nó sợ quá mức nhìn nó nằm im, run run cả nhà ai cũng xót thương. Lúc trước nghe tiếng súng chưa bao giờ nó sợ như vậy. Suy nghĩ không lâu tôi  đã tìm ra nguyên nhân: hồi Tết Mậu Thân, một trái pháo rơi trước nhà, có lẽ con Phèn lớn ở phía trước và chứng kiến sức nổ mãnh liệt của trái đạn pháo kích, từ đó nó mất tinh thần, nên sau nầy nghe súng nổ bằng mọi giá nó phải xuống hầm để trốn bấy giờ các con tôi thường bảo nhau, chỗ góc nhỏ tận cùng của hầm trốn pháo kích là của con Phèn, đừng ai hòng dành được với nó. Ngày 30-4-75, quân đội Quốc Gia buông súng, mấy ông Ba mươi và dân chúng túa ra đường, sẵn súng  đạn không người trông coi nên tự động bắn thử cho biết. Nửa đêm đó tới sáng tiếng súng liên hồi như lúc hai bên còn đánh nhau, khiến con Phèn của tôi phải ẩn mình trong hầm đến sáng hôm sau nó mới dám rón rén bước ra. Sau ngày nầy, con Phèn không còn chun xuống hầm trốn đạn pháo nữa. Hai năm tiếp theo, gia đình nhà chủ kiệt quệ, phải ăn độn, hai con chó bữa có bữa không, lại nữa chúng già yêu, chậm lụt không còn bắt chuột để nuôi thân như thủa nào. Phèn lớn đi xiêu vẹo và chết trong xóm, con Phèn nhỏ còn chút sức lực, lang thang ngoài đường hy vọng tìm chút gì đó bỏ bụng. Xe bộ đội vô tình hay cố ý lũi vô lề đụng chết Phèn nhỏ. Họ nhào  xuống nhanh nhẹn  bợ con vật tội nghiệp quăng lên xe. Gia đình tôi không hay biết, chỉ nghe bà con ở xóm thuật lại. Tôi ra trại tù về nhà không thấy hai con chó chạy ra mừng rỡ. Sau khi vợ tôi thuật lại tự sự, tôi chỉ còn biết ngậm ngùi thương cho hai con vật suốt đời chỉ biết phục vụ cho chủ đến khi chết lại quá bi thương! Cũng từ ngày đó tôi hứa với lòng là không nuôi bất cứ con chó nào nữa để thêm nhớ thương hai con Phèn năm xưa

Viết xong July 10, 2012
Nguyễn Thành Sơn


 
 
 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.