TKH - banner 04

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 1 / 5

Star ActiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

alt

 

    LTG: Tôi ghi lại đôi dòng về Vĩnh long, quê tôi với tất cả tấm  lòng thiết tha trìu mến của một người sinh ra và lớn lên ở đó. Nay dù đã vào tuổi “cổ lai” vẫn còn lưu lạc nơi quê người không biết  đến bao giờ mới trở về quê cũ.

 

        Nếu Bà Huyện Thanh Quan nhớ về triều đại xưa huy hoàng với xe cộ dập dìu, lâu đài nguy nga tráng lệ.
 
               Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
               Thành cũ lâu đài bóng tịch dương

 
         Trái lại, tôi quí mến nét mộc mạc, hoang sơ của Vĩnh long vào thời kỳ phát triển. Năm mươi năm trước Vĩnh long như cô gái dậy thì, sức sống đang lên, cũng đua đòi chưng diện, nhưng nhìn kỹ vẫn còn những ngây thơ vụng dại đáng yêu.
 
          Thật vậy, Vĩnh long, tỉnh nhỏ nằm bên bờ Cửu Long với hệ thống sông ngòi chằng chịt, khí hậu mát mẻ quanh năm cho dù đang ở vào mùa hạ, đâu đâu cũng vườn cam quít, bưởi, chôm chôm, sầu riêng, bòn bon sai oằng trái, hương vị thơm ngon.
 


alt
( Không Ảnh Tỉnh Vĩnh Long  năm 1967 )
                                                                 
        Những Đường Phố, Quán Xá, Những Nhân Vật được nhiều người biết:
 
      Ta xuất phát từ bờ sông trước dinh Tỉnh Trưởng, dinh nầy xây cất vào thời Pháp thuộc, sát sông Cổ Chiên, bên trái là nhà máy lọc nước cho cả thành phố. Kia bến đò ngang đưa khách từ tỉnh qua cù lao An Thành và ngược lại. Bungalow phía trước mặt, nơi đây có bán cà phê, điểm tâm, ăn trưa, tối. Kế Bungalow hay Công quán có các kios ngoài trời bán bia, rượu cho khách từ chiều cho đến nửa đêm. Vào những đêm trăng thanh gió mát ngồi nhâm nhi bia với đậu phọng rang hay hột vịt lộn, nhìn sóng gợn lăn tăn, thật là một trong những lạc thú trên đời. Đối diện với các quán ngoài trời nầy, một dãy tiệm buôn bán hột gà, hột vịt, gà con, vịt con như các tiệm Trần Vĩnh Thạnh, Nam Sanh Tường. Tiếp theo là phạm vi chợ Vĩnh Long, người dân miền quê thường gọi Chợ Vãng (Vãng do chữ Vĩnh đọc trại ra) gồm: chợ cá, bến đò, khu nhà lồng chợ.  Trong nhà lồng được phân ra từng lô: lô bán vải vóc, quần áo, thực phẩm khô, tươi, thịt heo, bò, gà, vịt, rau quả. v..v…

alt
(Đường đến Bungalow)
 
       Qua khỏi chợ, một dãy tiệm như: Lợi Hòa,Thiên Hưng, Hiệp Phát….trong số đó nổi nhất là tiệm Lý Sanh Mậu hay còn gọi tiệm cô Ba Trà (cô thứ ba bán trà nên có tên Cô Ba Trà chứ không phải cô Ba Trà, một kỹ nữ tài sắc của nha văn Xuân Vũ). Cách tiệm Cô Ba khoảng hai trăm thước, trên đường Phan Thanh Giản đây là trung tâm thành phố Vĩnh Long gồm: Đại lý sách báo Nam Cường, bến xe đò Vĩnh Long ( bến xe nầy dời về  Ngả Ba Cần Thơ năm 1957), tiệm cà phê, tiệm sửa Radio, tiệm bán sách báo, nhạc, quà lưu niệm Mai Lan. Tiệm Mai Lan do Cô Chín phụ trách bán hàng. Cô có má lúm đồng tiền, nói năng dịu ngọt có sức thu hút khách nhứt là Nam sinh của các trường trung học Nguyễn Thông, Nguyễn Trường Tộ, Long Hồ. Họ đến Mai Lan mua sách báo, cũng có, mà đến để ngắm người đẹp cũng nhiều; sau tiệm sách đến ty Bưu điện, ty Tiểu học, trường Nữ tiểu học, công viên, tòa Sơ Thẩm, nhà xã hội Vĩnh long. Nhà xã hội cung cấp bữa ăn trưa cho dân lao động, học sinh nghèo với giá tượng trưng.Tất cả thực khách phải tự lấy thức ăn, xong phải đem thức ăn thừa, chén bát vào nơi được chỉ định. Hình thức self service áp dụng ở nhà xã hội Vĩnh Long vào những năm cuối của thập niên  năm mươi là điểm son của tỉnh nhà dưới thời tỉnh trưởng Khưu Văn Ba.
 
       Đường Gia Long:
 
       Ngay ngả ba Phan Thanh Giản và Gia Long là nhà thuốc tây Hà Hồng Lạc. Dược sĩ Hà Hồng Lạc du học Pháp,có vợ Đầm và các con rất dễ thương. Ông về Việt Nam mở nhà thuốc tây, tự ông và vợ kinh doanh. Ông thuộc týp đàn ông lý tưởng cho đám nam sinh chúng tôi. Ông luôn chăm sóc đầu cổ, vén khéo, thích thể thao, mỗi chiều thường gặp ông ở sân vận động, ông  cũng là cầu thủ của đội bóng tròn Vĩnh Long. Vào giờ giải lao ông thường kể cho chúng tôi nghe về nền văn minh  của Pháp, cách học hành thi cử, tìm công việc làm nếu mình là du học sinh nghèo cần tiền trang trải cho việc học tập. Những lần nghe ông kể chuyện Tây du khiến chúng  tôi rộn lên tia hy vọng, hy vọng một ngày nào cũng được xuất ngoại du học như ông..

alt
Đường Lê Thái Tổ
 
        Trước cửa nhà thuốc tây Hà Hồng Lạc có sạp nhỏ  sửa đồng hồ, mắt kiếng và bán những đồ lặt vặt như: dây nịt, bút máy, si ra đánh giày của anh Hai Bầu. Anh Hai luôn vui vẻ, lịch sự với mọi người nên cái sạp dã chiến bé tí của anh lúc nào cũng đông khách. Sát tiệm Hà Hồng Lạc, tiệm Đồng Hính bán mì, hủ tiếu, hoành thánh, cà phê  Mọi thứ ở tiệm nầy không có gì đặc biệt vậy mà tiệm lúc nào cũng đông khách, chắc vì giá  cả bình dân và cách tiếp khách khá lịch sự chăng?  Kế tiếp gồm các tiệm: Vĩnh Sanh, Vưu Kim Huê, Xuân Phát Lợi, Phúc Hưng, Phô tô Hà nội, Công Bình, Bi Vĩnh Mậu, tiệm uốn tóc Nam Hiệp. Tôi xin góp thêm một ít hiểu biết về tiệm vải Phúc Hưng. Ông bà Phúc Hưng người miền Bắc vào Vĩnh Long lập nghiệp từ bao giờ không ai biết chỉ biết ngoài buôn bán vải vóc, ông Phúc Hưng còn là nhà địa ốc có tài. Những khu đất ở Ngả Ba Cần Thơ vào những năm đầu thập niên năm mươi còn là lạch, mương, vũng. Ông mua tất cả với giá rẻ, đến những năm 1955-1963 khi thành phố Vĩnh Long phát triển, vùng đất không giá trị trước kia bắt đầu mọc lên những căn lầu, biệt thự khang trang giá bạc triệu.  Ông bà có mấy người con đều là giáo chức, riêng cô Y..lại thiên về chính trị.  Phong trào hoan hô đả đảo thời Đệ Nhi Cộng Hòa đều có sự hưởng ứng của cô trong hàng ngũ sinh viên thuộc Tổng Hội Sinh Viên Sàigon.
 
       Dãy phố đối diện gồm các tiệm: Võ Văn Hưng, Tế Đức Đường, Vĩnh An, nhà thuốc tây Nguyễn Viết Cảnh, tiệm vàng Lê Văn Sung, Huệ Hòa.
 
       Dược sĩ Nguyễn Viết Cảnh, một trong những người giàu có, nổi tiếng cua tỉnh Vĩnh Long. Các con của ông có người là bác sĩ, dược sĩ, nhà văn. Họ Nguyễn Viết đa số đều thành công có nếp sống cao ở xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Từ tiệm uốn tóc Nam Hiệp băng qua con lộ nhỏ  (chúng tôi thường gọi đường Nhà Đèn ) đây là trường trung học Nguyễn Thông , sau đổi thành trung học Tống Phước Hiệp (năm1961, Trường này thay tên nhiều lần vì lý do chính trị). Dưới thời Pháp tên gọi Internat Primaire tức trường Sơ Cấp, đến 1954 đổi thành Nguyễn Thông, 1961 mang tên trung học Tống Phước Hiệp, 1975 đến nay lại hai lần thay tên nữa.   

alt         
 
       Ngang cửa Tống Phước Hiệp là Sở Trường Tiền hay ty Công Chánh. Bên ngoài vòng rào ty Công Chánh có cây da cành lá um tùm, gốc hai người ôm không giáp; tiếp đó nhà ông Lê Ngọc Chấn, một nhân sĩ, rồi nhà Tú Tài Bá, dưới thời Pháp thầy Nguyễn Văn Bá là trưởng ty Công An, khi về hưu thầy Bá dạy Lý Hóa ở trường trung học Nguyễn Thông, cùng dãy phố này còn có tiệm Chú Chiêu bán cơm trưa, cơm chiều, nhà thuốc tây (Tôi quên tên) phía sau tiệm thuốc tây là nhà bảo sanh cô Mụ Bảy, tiệm may Sĩ. Tiệm  may nầy khai trương vào khoảng 1958. Anh Sĩ, chủ tiệm, một thợ may thời trang, khéo tay vui tính, vợ anh chị Hoa có biệt danh “ Sáu Tòng Đô”, giáo viên tỉnh lỵ Vĩnh Long vì vậy khách tiệm may Sĩ phần đông là giáo chức.; tiệm cháo Tiều gần tiệm may Sĩ.Cháo  tiều tiệm này có tiếng ngon, giá bình dân.. Cháo tiều ăn với hột vịt muối hoặc hột vịt Bắc Thảo ngon đặc biệt. Vị nào muốn lai rai có thể gọi rượu thuốc, thịt quay cũng không tốn kém bao nhiêu. Cạnh tiệm cháo là con hẽm nhỏ chạy thẳng tới bờ sông Thiềng Đức, tiếp theo là xã Long Châu.
 
        Vào những năm 1954-1960 quận Châu Thành và xã Long Châu cùng làm việc chung nhau trong một biệt thự. Bên ngoài vòng rào xã, một dãy phố trệt độ vài mươi căn, người ta thường gọi dãy Phố Làng, ý muốn nói dãy phố này thuộc xã hay làng Long Châu. Trước 1958 giáo sư Lương Ngọc  Ẩn, giáo sư trường trung học Nguyễn Thông ngụ nơi đây. Đường Gia Long chấm dứt ngay góc đường Pasteur. Nối với Gia Long là đường Tống Phước Hiệp, bên phải trường Tống Phước Hiệp đi vào hướng Cầu Lầu, lần lượt ta gặp các tiệm Đức Đồng Lợi, Hồng Hưng, miếu Quốc Công, trường Vĩnh Liên ( trường Tàu). Miếu Quốc Công thờ ông Tống Phước Hiệp một công thần nhà Nguyễn. Phía ngoài miếu, sát đường có kios bán sinh tố của chị em cô Thanh. Nước sinh tố tươi mát, thơm ngon cộng thêm hai cô chủ khá đẹp, giọng nói ngọt như mía lùi đó là lý do khiến cơ sở kinh doanh của hai cô mỗi ngày thêm đông khách.

alt
( Miếu Quốc Công )
 
         Kế tiếp ta đến tiệm hủ tiếu Lâm Ký. Cuối dãy phố ta gặp tiệm thuốc bắc không trương bảng hiệu. Ngoài coi bịnh hốt thuốc, tiệm còn bán nhiều mặt hàng như: nhựt báo, thuốc hút, guốc để đi (vào những năm nầy dân chúng thường đi guốc, ít thấy dép cao su xuất hiện). Thấy lối buôn bán “ tả bít lù” của người Tàu ở tiệm nầy, người bạn của tôi cũng nảy ra một ý kiến lẫn hành động khá ngộ nghĩnh. Anh thót lên chỗ chiếc ghế trống ở chỗ coi mạch và xổ một loạt tiếng Tàu” ba rọi” anh học lóm trong những lần uống cà phê:
 
                              Bỉ ngộ bạc tẩy xĩu phé, xám mánh cẩm xìn
                             ( cho tôi ly sữa pha ít cà phê, ba đồng thuốc Ruby)

 
        Ông chủ tiệm “châm” lại một hơi tiếng Tàu, anh bạn lắc đầu nguầy nguậy. Sau cùng một người trong tiệm bước ra xin lỗi vì không phải là tiệm cà phê nên không có bạc tẩy xĩu phé. Câu chuyện xãy ra từ 1958, nhưng mỗi lần nhớ lại tôi không nhịn được cười.

Nguyễn Thành Sơn
( Cựu Giáo Sư & Cựu Giám Học trường Nguyễn Thông)


* Ảnh do Ban biên tập tongphuochiep.info sưu tầm trên Internet.


( Tiếp Phần 2)



 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.